Trang

5 thg 7, 2018

Thất nghiệp tuổi 35

Khủng hoảng tuổi 30 thực ra được báo trước bởi những cơn buồn ngủ tuổi 25?
Thời gian gần đây tôi làm việc với khá nhiều hồ sơ CV đợi phỏng vấn. Và bất ngờ phát
hiện ra, có rất nhiều CV của những người trong tầm tuổi 35 bắt đầu đi xin việc với
những vị trí không liên quan gì tới công việc cũ, hoặc sẵn sàng đi làm với mức lương
thấp hơn mức lương trước đây. Sau khi phỏng vấn 4 trường hợp, tôi nhận ra một câu chuyện tương đối phổ biến, thể hiện rõ nếp suy nghĩ của rất nhiều những người bạn
trong thế hệ tôi thời điểm này.
Vậy vì sao chúng ta có thể trở nên thất nghiệp ở tuổi 35?
1. Đề cao quá mức "kinh nghiệm"
"Khi tôi 35, tôi có rất nhiều kinh nghiệm". Nhưng nếu kinh nghiệm đó chỉ nằm ở 1-2 vị
trí, với những đầu việc được lặp lại đều đặn, thì đó chỉ là 1-3 năm kinh nghiệm được lặp
lại vài lần.
Nếu áp dụng nguyên tắc 10,000 giờ (*đọc cuốn Outliner để biết thêm: theo đó, một
người muốn trở nên xuất sắc trong 1 công việc bất kỳ sẽ cần khoảng 10,000 giờ luyện
tập), mỗi ngày làm việc 8 tiếng, mỗi năm làm việc 250 ngày, thì cơ bản với một công
việc chuyên môn nhất định, người ta sẽ thành thạo sau 3-4 năm. Từ năm thứ 5 trở đi,
người ta sẽ trở thành một anh công nhân quen tay ngồi trong văn phòng chứ ko phát
triển thêm đáng kể nữa. Hay nói cách khác, cùng công việc bàn giấy đó, kinh nghiệm từ
năm thứ 5 trở đi của anh ta trở nên vô giá trị.
"Làm quản lý sẽ không lo thất nghiệp". Vâng, chỉ đúng khi anh là quản lý cấp cao, còn
cỡ team leader, manager thì quả Đất này nhiều như quân Nguyên. Mà với vị trí quản lý
cấp cao, nhân sự dao động rất ít, ghế thì không nhiều, lý do gì để bạn ngồi được thay
chỗ người ta, chưa kể những yếu tố khắt khe khi tuyển dụng cấp cao về tầm nhìn, văn
hoá và sự phù hợp. Từ manager công ty A về làm nhân viên cho công ty B, tôi thấy rất
nhiều.

2. Giữa một CV người trẻ tuổi và một CV người già có kinh nghiệm, chọn ai?
Tôi chọn người mang cho mình nhiều giá trị hơn, trả lương thấp hơn và bớt đòi hỏi hơn.
Lúc này chính kinh nghiệm lại đang bộc lộ mặt trái của nó. Những người già hơn, có
"nhiều-kinh-nghiệm" làm quen tay một công việc bắt đầu bộc lộ nhược điểm về sự kém
thích nghi, có xu hướng mong muốn áp dụng kiến thức và mô hình từ công ty cũ sang
công ty mới mà thiếu điều chỉnh, tự mãn với thành công cũ mà quên đi rằng thị trường
và khách hàng đã thay đổi.
Chưa kể các nhân sự lão đa lão đề thường đòi hỏi mức lương cao cùng nhiều chế độ khắt
khe, đi kèm xu hướng mong muốn "thay-máu" bộ máy đang làm việc và văn hoá công ty
hiện tại, đôi khi làm người quản lý đứng trước việc tuyển dụng nhân sự dạng này đồng
nghĩa với rủi ro thay thế hầu hết đội ngũ nhân sự đang làm việc hiệu quả.
Với tôi lúc này, một nhân sự trẻ, có khoảng 2 năm kinh nghiệm, cởi mở cầu tiến, tôi tin tưởng sau 6 tháng làm việc hoàn toàn có thể bù đắp và ngang hàng một lão làng 6 năm
kinh nghiệm. Khả năng thích nghi cao hơn, kiến thức cập nhật hơn, lương trả thấp hơn
và chắc chắn là ít đòi hỏi hơn. Dĩ nhiên với nhà tuyển dụng, anh ta là ứng viên sáng giá
hơn một ông già đòi hỏi và cứng nhắc chứ?

3. Nhiều người ngủ quên từ khi 25 tuổi.
Tôi nhìn thấy nhiều người bạn của mình thế này: ra trường ở tuổi 22, đi làm tại một
công ty nào đó tầm 2 năm, ở tuổi 24 buồn buồn chán chán ko biết làm gì t iếp, họ lấy vợ
lấy chồng, 1 năm sau đẻ con, thành bố thành mẹ; công việc vẫn ổn, lương đủ sống, con
cái bận rộn. Trong một giấc mơ nhàn hạ mà họ vừa ao ước, vừa thấy buồn chán là cuộc
đời họ cứ đơn giản như thế mà lướt, tới ngày tuổi 60, nghỉ hưu cái xoạch là xong. Hạ
cánh an toàn!
Họ không nhớ lần cuối đọc một cuốn sách (không phải tiểu thuyết) là khi nào, hay học
một khoá học vì mong muốn bản thân giỏi hơn (không vì chỉ tiêu lên lương) là bao giờ.
Cơ bản, sau khi tốt nghiệp đại học, họ dừng luôn việc học hành và phát triển kiến thức
bản thân, họ nghĩ việc học đã dừng lại sau khi cầm tấm bằng tốt nghiệp và có 1 công
việc lương đủ sống. Cá nhân họ tính từ ngày ra trường tới giờ, tôi nhìn họ không có
chút khởi sắc nào đáng kể về kiến thức và công việc, trừ được cộng dôi dư ra vài năm
làm việc văn phòng quen tay. Sự nghiệp của họ ngay từ khi bắt đầu đã chỉ để chuẩn bị
cho viễn cảnh về cuộc hạ cánh an toàn. Vì thế cái khá niệm "việc nhàn, ổn định" ra đời
từ thời bố mẹ vẫn còn găm trong tiềm thức.
Và cuộc đời của họ có lẽ cũng sẽ cứ mãi ổn nếu không có một ngày bỗng dưng công ty
phá sản hay đẩy họ ra đường!

4. Thị trường lao động không còn như cái thời ông bà bố mẹ bao cấp những năm 90s.
Năm 2010, Vietnam chính thức ra khỏi danh sách các nước nghèo. Tiếp đó 5 năm, lần
lượt các tổ chức phi chính phủ NGO và quỹ quốc tế đóng cửa rồi rút khỏi Vietnam, rất
nhiều nhân sự làm cho các tổ chức NGO từng nhận lương ngàn đô bỗng một ngày thất nghiệp, loay hoay xin vào các tổ chức NGO ít ỏi còn lại. Số ghế không đủ cho tất cả mọi người, có người xin vào các doanh nghiệp nhưng tư duy làm cho tổ chức non-profit
trước đây không thể nào fit với mô hình doanh nghiệp lấy profit ra làm mục tiêu kinh
doanh. Không ít người sau đó, miễn cưỡng trở thành những thầy cô giáo trong các trung
tâm dạy tiếng Anh, hoặc có người mở shop quần áo, bán hàng xách tay... với mức lương
non nửa thời trẻ.
9% người Mỹ thất nghiệp ở độ tuổi từ 30-45 năm 2010. Thậm chí trong bộ phim Up in
the air, George Clooney còn đóng vai 1 người tư vấn chuyên xử lý việc sa thải những
nhân sự già nua chi phí cao mà bộ máy kinh doanh cho rằng đã hết đát sao cho êm thấm. Nhìn sang Trung Quốc cũng sẽ thấy, thị trường lao động Vietnam đang dịch chuyển dần
tới thị trường lao động quốc tế, nơi chỉ tồn tại trên thị trường những lao động có giá trị
cạnh tranh, và việc xuất hiện những cá nhân thất nghiệp, hoặc buộc phải chuyển đổi
nghề nghiệp ở tuổi sau 35 là điều không hiếm.
Qua rồi cái thời làm một công việc ổn định từ đầu tới cuối đời, qua rồi cái thời vào biên
chế nhà nước hay công ty là kê cao gối ngủ. Không gì đảm bảo mức lương của bạn sẽ
tăng đều đặn từ giờ tới cuối đời, một khả năng vô cùng lớn là bỗng một ngày cty phá
sản hoặc đơn giản là thay sếp. Bạn phải tìm việc mới, và nếu năng lực không đủ apply
trong thị trường lao động cạnh tranh, ngồi nhà 1 năm thì bạn chỉ còn 1 con đường duy
nhất khác: buộc phải chuyển đổi nghề nghiệp, và bắt đầu với mức lương như một sinh
viên mới ra trường. Khi đó, thu nhập của bạn ở tuổi 35 thấp hơn ở tuổi 30 là rất hiện
hữu.
Mà rủi ro đó là hoàn toàn có thật, 370 công ty phá sản ở Vietnam mỗi ngày, là ngần đấy
lao động sẽ ùa ra đường, hoà cùng hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm, tham
gia vào đội ngũ những người săn tìm việc làm. Những người già về tuổi nhưng nghèo về
kiến thức và khả năng thích nghi, lấy gì ra làm thế mạnh cạnh tranh trong đội ngũ lao
động đó?
***
Bản thân tôi, chưa khi nào hết thấy sức ép của một thế hệ những người trẻ năng động
hơn, có kiến thức quốc tế tốt hơn, được đào tạo bài bản hơn tôi đang hò reo phía sau
lưng, nhắc mình không được dừng bước và tự hài lòng. Thất nghiệp có thể là thứ tôi sẽ không gặp phải, nhưng tụt hậu và trở nên dốt nát tới ngoan cố là thứ tôi biết chắc mình
sẽ dẫm phải nếu chỉ dừng việc học hỏi và cố gắng trong 1-2 năm.
Chẳng có cách thức nào đảm bảo bạn sẽ không bị sa thải hay thất nghiệp ở tuổi trung
niên, nhưng có một sốkey notes tôi đọc được trong các bài báo và nghiên cứu về vấn đề
này cho ta một bức tranh toàn cảnh:
- Thời gian thất nghiệp trung bình của 1 người trên 35 tuổi cho tới khi tìm được việc
mới tại Mỹ là 53 tuần, so với 19 tuần ở người trẻ. Lúc này bạn thấy rõ, lợi thế kinh
nghiệm không được thể hiện ở đây.
- Khủng hoảng tâm lý ở người thất nghiệp trung niên trầm trọng hơn nhiều người trẻ
do các gánh nặng về trang trải chi phí gia đình, con cái, học hành, y tế, nhà cửa, các
khoản vay và trả góp. Sự bế tắc về nghề nghiệp ở tuổi này dễ dẫn đến các nguy cơ trầm
cảm và tự sát.
- Dù không bị thất nghiệp, nhưng xu hướng thu nhập bắt đầu giảm dần ở hơn 21%
lượng lao động trên 45 tuổi.
- Tỷ lệ thất nghiệp và bị sa thải ở bậc quản lý chỉ thấp hơn 8% cấp bậc nhân viên.
Hãy thôi đừng tự phụ!
- Học tập, đọc sách và cập nhật kiến thức mới là cách tốt nhất đảm bảo giá trị của bản
thân trên thị trường lao động. Học tập, học tập, và tiếp tục học tập. Lifelong learning!
Hãy học nhiều hơn và giỏi hơn những gì công việc hiện tại của bạn yêu cầu, đừng chỉ
học đủ.
- Xây dựng giá trị không thể thay thế của bản thân trong công ty và thị trường lao động,
chủ động thay đổi và tạo nên thử thách trong công việc hàng ngày, đừng để các công
việc xử lý hàng ngày của mình lặp lại đều đặn trong quá 6 tháng.
- Làm công việc mình thích ngay từ thời còn trẻ, hoặc sớm nhận ra và chuyển đổi nghề nghiệp khi còn trẻ. Bởi cơ bản, khó ai có thể làm công việc mình căm ghét cả cuộc đời,
và đạt kết quả tốt.
- Dù theo ngạch chuyên gia hay quản lý, bạn vẫn phải học kỹ năng quản lý, trước tiên là
quản lý công việc của chính mình. Sau đó là các kỹ năng giao tiếp và phối hợp làm việc, những cá nhân bị lựa chọn sa thải thường là các cá nhân khó hòa nhập với tập thể
chung nhất. Tôi không đồng tình với cách lựa chọn này nhưng nó là sự thật.
Có lẽ đây sẽ là cái bóng nhắc chúng ta rằng: “Mình không thể ngủ quên an nhàn
ở tuổi dưới 30!”


Nguồn : HIEU HA TRUNG