Trang

14 thg 10, 2010

10 dieu chua dc day

Michael McDonough, một giảng viên kiến trúc, một nhà báo đã từng làm ngạc nhiên các sinh viên của mình bằng bài viết “10 điều chưa bao giờ được dạy ở trường thiết kế”. Nhưng đặc biệt là nó có ý nghĩa sâu sắc với hầu như tất cả các lĩnh vực khác.

Khi bạn đến trường, có nghĩa là bạn đang vận động trong quá trình thu nạp kiến thức (input), nhưng sau đó là tiếp tục vận hành cho quá trình sản sinh kết quả dùng cho việc nghiên cứu, đi làm… (out put). Nhiều lúc bạn sẽ tự hỏi đây có phải là tất cả những gì chúng ta cần, chúng ta được học? Có thể câu trả lời sẽ không hoàn toàn đúng cho bất kỳ ai, nhưng hãy nhớ rằng chỉ có người biết nhiều, biết ít chứ không ai biết đủ.

1. Tài năng chỉ mang đến 1/3 thành công

Ở bất cứ một lĩnh vực nào, thì nhân tài luôn được trọng dụng nhưng yếu tố này không hề đảm bảo 100% sự thành công. Những giá trị ngang bằng còn đến từ sự chăm chỉ, nỗ lực và may mắn. Làm việc chăm chỉ là khi bạn giữ vững kỷ luật bản thân, đôi lúc cũng phải biết hy sinh mình. Những cơ hội dẫn tới quyền lực, tiền bạc, các mối quan hệ xã hội thiên về sự may mắn. Nên nếu bạn không có tài, bạn vẫn có thể thành công nếu bạn biết xem trọng hai yếu tố trên. Bạn có nghĩ tôi nhầm? Hãy thử nhìn xung quanh mình xem.

2. 95% công việc là “cực hình”

Thường chỉ có 5% công việc ít ỏi thực sự mang đến cho bạn niềm phấn khích. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn hay tập trung và theo đuổi những công việc thú vị. Còn khi bước chân vào thực tế, hầu hết thời gian bạn phải đối mặt với những thứ tẻ nhạt như sổ sách, kiểm tra thông tin, phác thảo vài thứ linh tinh, thương lượng, bán hàng, thu tiền, đóng thuế… Nếu không học được “yêu”, làm “thân” với những thứ gây bực bội để giải quyết chúng một cách “xuôi chèo mát mái” thì bạn sẽ chẳng bao giờ thành công.

3. Nếu mọi thứ đều quan trọng như nhau - Điều đó có nghĩa là chẳng có gì quan trọng cả!

Có thể bạn từng nghe rất nhiều thứ về chi tiết như "God is in the details" hay "Do not sweat the details" (Đừng quá bận lòng với những tiểu tiết). Điều này không sai nhưng cần kèm theo một sự giải thích quan trọng: Luôn cần một thứ tự sắp xếp. Bạn cần chọn ta đâu là việc quan trọng nhất và ưu tiên giải quyết. Tôi đồng ý rằng mọi thứ đều quan trọng nhưng không có nghĩa là mức độ của chúng như nhau.

4. Đừng suy nghĩ quá mức cho một vấn đề

Khi tôi còn là sinh viên, trong khi làm thêm, có một người tôi gọi là “sư phụ” - đó là Steven Izenour. Ông nói rằng tôi đã giải quyết được một đồ án mười tuần chỉ trong vòng một tuần, bây giờ chỉ lo biến nó thành hiện thực nữa thôi. Tất cả những lý luận phê bình mà tôi từng áp dụng trước đó chỉ làm kéo dài và phức tạp thêm vấn đề, trong khi thực chất nó đã được giải quyết. Các designer hay thường bị ám ảnh bởi chính mình, nhưng thỉnh thoảng lại tìm ra một giải pháp thật bất ngờ.

5. Bắt đầu bằng những thứ bạn biết, rồi giải quyết cái không biết sau

Trong thiết kế, hiểu đơn giản là vẽ ra những gì bạn biết truớc, bạn đã hình dung bắt đầu bằng tất cả những gì bạn hiểu và nắm rõ.

Ví dụ: Thiết kế một chiếc ghế, bạn cần phải biết chiều cao dự tính của người ngồi nó. Những thứ như độ dài, góc nghiêng để tựa, những thứ yêu cầu kèm theo đều có thể ước lượng ra sau. Vậy là đã có thể bắt tay vào thiết kế.

Hầu hết các sinh viên cảm thấy hoảng loạn khi đối mặt với những thứ mình không rõ và không thể kiểm soát. Cách tốt nhất là quên nó đi. Bắt đầu mọi thứ từ cái mình biết, mình hiểu rồi giải quyết lần lượt từng thứ không biết. Đây chính là quy luật quan trọng nhất trong thiết kế. Bạn hãy thử xem, sẽ thấy hiệu quả đấy.

6. Đừng quên mục đích của mình

Hầu hết các bạn sinh viên và nhất là các designer trẻ thường tiếp cận vấn đề bằng sự thấu hiểu và sáng suốt, sau đó lại để tuột nó trong sự bối rối, lo lắng và những cố gắng thừa thãi. Họ quên mất mục đích của mình, rồi lại cố tạo các mục đích mới. Các ý tưởng ban đầu gần như một quà tặng “từ trên trời rơi xuống”. Đừng lãng phí nó chỉ bằng cách ghi lại trên những tờ giấy vụn.

7. Khi bạn quăng mình đi cũng là lúc bạn sẽ mất cân bằng

Quá tự tin cũng tệ như là kém tự tin vậy. Hãy học cách khiêm tốn khi tiếp cận một vấn đề. Hãy nhận biết và chấp nhận những thứ bạn không biết và làm việc thật cần cù để bù lấp. Người ta chẳng hay nói “luôn cần học hỏi” đấy sao, tức là “muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”.

Thứ quyền lực tạo ra sự vật và áp đặt nó vào thế giới là một đặc ân. Vì vậy đừng quá lạm dụng, đừng đánh giá thấp những khó khăn, nó vừa làm bạn yếu đi nhưng cũng làm bạn mạnh hơn.

8. Không có hành động tốt nào mà không trả giá

Thế giới đã không còn được chuẩn bị để nâng niu những thứ tuyệt vời nhất hay chống chọi với những thứ tệ hại. Không thể dựa dẫm vào các sáng tạo hay sự xuất sắc vì nếu làm vậy hệ thống xã hội sẽ trở nên khó đoán và bấp bênh hơn. Điều cần thiết lại là sự cân bằng và dễ tiên liệu.

Những ý tưởng sáng tạo chắc chắn phải chịu nhiều thử thách và cần cố gắng lớn mới có thể đi đến thành công. Hầu hết các bạn sẽ nếm trải đủ mọi mùi vị, cung bậc của sự thất bại thế nên cứ làm thật nhiệt huyết đi, làm để thất bại, để bị đẩy lùi và để thành công. Đừng bao giờ đánh giá thấp đối thủ vì nếu bạn tin vào sự tuyệt hảo, thì có lẽ đối thủ của bạn sẽ là chính điều đó.

9. Tất cả đều phải “sản xuất”

Không cần biết máy tính của bạn chạy tốt như thế nào, bài luận của bạn hay như thế nào, hay điểm của bạn xuất sắc như thế nào nhưng nếu bạn không thể sản xuất, không thể phân phối, và làm cho sản phẩm được biết đến thì cơ bản bạn vẫn “vô hình”. Hãy đặt chính mình vào sản phẩm đó, lên kế hoạch và cho tất cả mọi người thèm khát nó đi!

10. Cả thế giới còn lại đều liên quan

Nhiều khi bạn muốn hoàn thành một điều gì, bạn chắc chắn phải cần đến những bạn học mà bạn từng ghét thời trung học. Tôi đã từng tham gia vào một trường thiết kế mà ở đó, họ cho rằng: "Một khi bạn học ở đây, bạn là quan trọng nhất, thế giới còn lại đều không đáng bận tâm". Không một người nào từ ngôi trường đó mà tôi biết thành công khi tốt nghiệp và bước vào cuộc sống. Thật ra kết quả này bắt nguồn từ tu duy quản lý khiến người ta coi thường kẻ khác.

Bất kể mẫu thiết kế của bạn xuất sắc đến mức nào, phải xem có ai đó muốn sản xuất nó, ai đó thèm mua nó, ai đó thích dùng nó... Hãy tôn trọng tất cả mọi người, dù cho đó là những người bạn ghét nhất vì đơn giản, bạn vẫn luôn cần họ.

Cú Đánh Thức Tỉnh Trí Sáng Tạo của Roger Von Oech”:

XẾP HÀNG ĐỂ BỊ ĐÁNH VÀ NHẬN CHÌA KHÓA CỦA CHÍNH MÌNH!



Đọc xong bài này, bạn đừng ngạc nhiên, thậm chí tủm tỉm cười thầm sau khi tìm được chiếcchìa khóa kích hoạt sự sáng tạo của bản thân. Nó sẽ khiến não bạn “sôi ùng ục” trong bất cứ tình huống nào mà bạn “thò tay vào”, giúp bạn nhận ra rằng khả năng sáng tạo của con người là vô hạn. Và dường như “thế giới chật chội” này cần được bạn lật tung lên bằng khả năng tư duy nhạy bén của mình. Bạn cần biết cách sử dụng não mình như chiếc kính vạn hoa, chỉ cần lắc nhẹ, cả thế giới trở nên muôn màu, thú vị. Nhận lấy và ghi nhớ những điều tôi sắp đưa ra sau đây, thật ra là từ quyển sách: Cú Đánh Thức Tỉnh Trí Sáng Tạo củaRoger Von Oech. Với cả đời tôi, có lẽ đây là cú đánh…đáng giá nhất mà tôi từng “được nhận”.
Khuyến cáo đầu tiên là hãy tìm kiếm nhiều hơn. Phải dẹp ngay những câu trả lời luôn được “lập trình sẵn”. Đừng bao giờ “xì tốp” khi chỉ thấy được một câu trả lời. Nhớ rằng đằng sau số 1, chúng ta còn có 2,3,4,5,6,7,8,9…
Bạn không cần thiết phải luôn luôn đi một con đường từ nhà đến trường. Có nhiều sự lựa chọn khác nhau, phòng lúc “lô cốt bủa vây hay mưa giăng bít lối” chứ…. Hãy “binh” bằng nhiều đường khác nhau, bạn nhé. (Ổ khóa thứ 1 được mở).
Tưởng tượng các vấn đề một cách phi logic là cách mở ổ khóa thứ 2. Sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, thật gần gũi để hiểu vấn đề bạn đang gặp phải. Dĩ nhiên bạn sẽ không phải là kẻ “ bị chạm dây” thần kinh số 16 gì đâu khi thực hiện việc này. Ngược lại, điều đó giúp “bộ IC” của bạn nhạy như điện cao thế gặp phải ..nước ấy..
Kế đến, …cho dù có vào thời điểm tháng an toàn giao thông đi chăng nữa, với ổ khóa thứ 3, tôi muốn bạn vượt đèn đỏ, bỏ qua đèn vàng, cứ chạy hàng ngang, thậm chí lạng lách, đánh võng trong…mỗi ý tưởng của mình. Quên đi những luật lệ vốn có. Luật lệ đã “gông cùm” cái đầu chúng ta quá lâu. Đã đến lúc để sự tự do lên tiếng. Nếu cứ bám vào hàng tá luật hình sự, dân sự, quân sự, …lý sự…gì gì đó thì chính bạn là người “cầm dao khứa cổ con mình” đấy.
Tôi cam đoan rằng: sẽ không thừa một tí nào khi bạn đặt ra càng nhiều câu hỏi: “Nếu…thì sao ?” để mở ổ khóa thứ 4!
Uhm, nếu tôi không bị “đánh” bởi quyển sách của “thằng cha Roger Von Oech” thì tôi đã không chia sẻ những điều này cho bạn (để …có người bị đánh như tôi). Nếu bạn mặc chiếc quần đỏ thì bị bò rượt, còn mặc quần xanh thì sao?(bị trâu húc chẳng hạn…ha ha..). Hỏi, hỏi và hỏi…thật nhiều vào…
Đầu bạn bắt đầu “sôi”, đã đến lúc thêm ít gia vị, chất xúc tác cần thiết rồi đây!
Ổ khóa thứ 5 có thể được gọi là… giới hạn của những cuộc vui. Và hầu như đây là điều luôn mang theo “nỗi sợ hãi”. Vui và tận hưởng cảm giác tột đỉnh của sự tự do, rồi giới hạn cuối cùng là điểu cần phải “giải quyết”. Nói đúng hơn: Sự cần thiết là người Mẹ của sáng chế, còn Ba nó chính là sự vui chơi”. Vui chơi để sáng tạo.
Một khi đã mở được 5 ổ khóa rồi thì cũng không đến nổi quá khó để mở luôn 2 ổ khóa thứ 6 & 7. Có điều, tôi khuyên bạn nên là người có “phận sự”; không nên thoái thác hay biện hộ rằng mình không phải là một “chuyên gia bom mìn” sau “những gì đã gây ra”. Bạn đã khám phá và phải luôn khám phá những điều bất ngờ xung quanh. Bạn có quyền cho phép mình có trách nhiệm như một người Cha, hay tình yêu bao la của người Mẹ, hoặc có thể là sự “quan tâm kỳ cục” của ông …hàng xóm..
Để làm gì ư? Chỉ có những điều đó mới mang lại cho bạn hàng loạt những giá trị bất ngờ khi đứng dưới từng góc độ, để cảm thụ những luồng ý tưởng đang chảy trong ta.
Chuyện đời rất mơ hồ! Thực hư lẫn lộn không biết đâu mà lường! Phải tập làm quen với từng “chương trình xổ số”. Chơi trò chơi giải mã những giấc mơ. Và trong sáng tạo, sự mơ hồ cũng được xem trọng, đáng để thành ổ khóa thứ 8. Ngẫu nhiên luôn là những yếu tố bất ngờ và kích thích tư duy của bạn, khiến bạn nhảy cẫng lên khi đứa con (ý tưởng) cất tiếng khóc tu oa đầu tiên. Và sau đó, bạn nhận ra rằng nó có hàng loạt điểm tương đồng với… anh chàng hàng xóm.
Hãy ghi nhớ, lỗi lầm là những người bạn. Nếu bạn là người thường xuyên mắc sai xót thì cũng đừng nên bi quan hay sợ bị lên án. Ổ khóa thứ 9 nói rằng: Lỗi lầm chính là cánh cửa dẫn đến sự khám phá. Nếu bạn muốn đánh trúng thì cách tốt nhất là hãy chuẩn bị cho những cú đánh trật…
Đến đây, gần như bạn đã nắm gọn trong lòng bàn tay chiếc chìa khóa sáng tạo của bản thân. Ổ khóa cuối cùng không nằm trong quyển sách, cũng chẳng nằm trong tay tôi. Mà nó thuộc về trái tim bạn. Cách mà bạn khẳng định câu hỏi: Tôi có phải là người sáng tạo không? Hứa với tôi là bạn luôn trả lời “YES” để niềm tin bạn được đặt vào đó.
NẾU MUỐN BỊ ĐÁNH PHẢI NHỚ RÕ

Quá trình sáng tạo thật sự sẽ trải qua bốn giai đoạn:
Đầu tiên, đóng vai nhà thám hiểm để có được thông tin và nguồn tài nguyên mới…
Sau đó, sáng tạo dựa trên thông tin đã có theo phong cách của một người nghệ sĩ….
Cần sáng suốt và công tâm như một quan tòa để có những quyết định hợp lý.
Cuối cùng là sự quyết đoán, dũng mãnh của một chiến binh, vượt qua những lời bào chữa_kẻ thù tiêu diệt các ý tưởng, sự thoái lui và những cản trở khác nhằm đưa ý tưởng vào hành động.
DÀNH CHO NHỮNG AI THÍCH BỊ ĐÁNH
Luôn có những kế hoạch cụ thể, lý do vững chắc để khích lệ hành động của mình.
Tạo ra một môi trường sáng tạo lý tưởng, khi ở trong nó bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn nếu được môi trường ủng hộ và trông đợi những ý tưởng mới.
Sự sáng tạo phải thoát khỏi những lời bào chữa trong quá trình thực hiện còn quan trọng hơn cả việc đưa ra ý tưởng.
Hãy nuôi dưỡng khả năng mạo hiểm bằng cách thử nhiều điều mới mẻ. Nếu không, khả năng này sẽ mất dần và bạn sẽ không có được các cơ hội nữa.
Tìm một điều có thể gây nguy hiểm cho vấn đề_ sự sinh tồn, lòng tự trọng, tiền bạc, danh tiếng _ để mang lại cho bạn động lực thực hiện thành công ý tưởng của mình.
Không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những thứ hiện có. Sự bất mãn có thể mang lại lợi ích cho quá trình sáng tạo.
Những ý tưởng mới có thể mang lại những nguy cơ tiềm ẩn và con người phản ứng tiêu cực đối với chúng. Sẵn sàng chuẩn bị tinh thần để đón nhận và vượt qua.
Ý tưởng sẽ chỉ là vô ích nếu nó không…bán được. Bạn phải tự hỏi điều gì khiến ý tưởng của mình trở nên hấp dẫn hơn!
Thời hạn chính là nguồn cảm hứng đích thực, đó là khi bạn phải hoàn thành công việc của mình.
Kiên trì, kiên trì và kiên trì trong mọi tình huống.
Sau tất cả những điều này, bạn nên “tự thưởng” cho những cố gắng của chính mình để có thể tiếp tục thành công
Theo TYM