Trang

7 thg 12, 2015

Nguồn gốc món phở

Nguồn gốc món phở

“,,,,chăn nuôi bò lấy thịt và sữa là do người Pháp đem vào. Điều đó khẳng định phở bò chỉ có đầu thế kỷ 20 vì chuyến bò nhập đầu tiên là năm 1898. ,,,,,”

Bài nầy nói về nguồn gốc ca chữ “phở“, rất hợp lý, đả phá cái chữ Tàu “ngầu dc phnh” (ngu nhc phấn) mà lâu nay nhiều người tin như vậy. Người ta hay dch những đặc sn ca Việt Nam ra ngoi ngữ vì ghi tiếng Việt người ngoi quốc không đọđược. Ti sao không giữ nguyên chữ Việt như phở, chả giò, gi cuốn…? Họ đọc không đúng thì phiên âm ra như Tàu hay Nhựt… Cng vì lẽ chữ quốc ngữ dùng mẫu tự La tinh nên người mình chủ quan, tự cho mình là “may mắn” và “thuận lợi” hn người. Xem li có hn gì ai không, Tàu, Nhựt, Cao ly… không có “may mắn” như mình có chữquốc ngữ mà trình độ ca họ bây giờ ra sao so với mình ? Nhiều người còn lười biếng đến nỗi gõ chữ Việt không dấu cho người ta vừđọc vừđoán !

4 thg 11, 2015

KHỞI NGHIỆP - MỘT PHONG TRÀO NGUY HIỂM

Mình làm công việc phỏng vấn doanh nhân trên truyền hình và dẫn chương trình các sự kiện doanh nghiệp cũng gần 6 năm nay, và mình tin những gì quan sát và tiếp thu được dù chưa thể phản ánh đầy đủ bức tranh khởi nghiệp của Việt Nam, nhưng chí ít cũng có vài điểm lặp đi lặp lại mang tính chất quy luật. Và một trong số đó là, phong trào khởi nghiệp rất nguy hiểm. Sở dĩ tạm gọi là “phong trào“ vì so với cách đây 5 năm, số lượng các công ty khởi nghiệp xuất hiện rất đông đảo. Một phần cũng bắt nguồn từ làn sóng các du học sinh quay trở về nước. Dù thường xuyên phỏng vấn các bạn khởi nghiệp, tham gia nhiều hội thảo về khởi nghiệp...nhưng nếu hỏi mình có cỗ vũ cho cái gọi là phong trào khởi nghiệp không thì xin thưa là không. Khởi nghiệp ở đây mình xin đề cập chung cả startup (khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ) và SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Dù startup và SME là rất khác và nhiều bạn muốn làm startup nhưng thật ra là đang làm SME. Ở đây xin được gọi chung là làm entrepreneur để đề cập đến một vấn đề nhiều bạn gặp phải. Một điều hiển nhiên, làm entrepreneur không dành cho tất cả mọi người.
.
Một đất nước kém phát triển, đi sau, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn, tổ chức nhà nước khiến cho thu nhập ở các lĩnh vực ngành nghề không đồng đều, tạo cho các bạn trẻ một tâm lý phổ biến là Phi thương bất phú, tức là muốn kiếm nhiều tiền, có cuộc sống sung túc thì phải làm kinh doanh. Kinh doanh là lĩnh vực có lẽ ít cần chuyên môn riêng biệt nhất. Học gì đi nữa thì cũng có thể làm kinh doanh. Các phương tiên truyền thông thì liên tục dập những câu như "Vietnam là điểm thu hút đầu tư...Vn đang phát triển, cơ hội kinh doanh rất tốt..." Những điều đó là không sai, nhưng không đúng với tất cả mọi người. Nếu theo dõi tin doanh nghiệp, chắc bạn cũng sẽ nghe nhiều những cụm từ như "hàng ngàn doanh nghiệp giải thể" "kinh doanh khó khăn" "doanh nghiệp khó tiếp cận vốn" "năng lực cạnh tranh kém"... Bên cạnh những tác nhân bên ngoài khiến doanh nghiệp thất bại, mình tự hỏi bao nhiêu entrepreneur trong số đó vốn sinh ra không phải để làm entrepreneur?
.
Một khi năng lực đã kém thì điều kiện khách quan có tốt cách mấy, doanh nghiệp cũng thất bại mà thôi. Mình thề với bạn, có không ít entrepreneur ở Việt Nam còn chưa thật sự hiểu về những điều căn bản của làm kinh doanh, của sales và marketing, nghiên cứu thị trường, của làm truyền thông, của cải tiến sản phẩm, hoặc nhiều khi xin lỗi, chỉ là quy luật cung và cầu. Đồng ý kinh doanh thì không có tuân theo sách vở, nhưng những thứ căn bản thì vẫn là căn bản không thể thiếu. Đã mất căn bản còn làm liều thì hậu quả khó lường.
Nhiều người làm kinh doanh chỉ bởi có quan hệ với các quan lớn, móc nối được những hợp đồng béo bở, bí mật, độc quyền, hoặc hùn hạp bạn bè, hoặc chợt thấy cái gì hay hay tiềm năng...chứ thực tế doanh nghiệp không có một tí gì là lợi thế cạnh tranh hết.
.
Trông lần làm moderator một hội nghị kinh doanh lớn ở Cần Thơ, mình nghe một đàn chị là người có tiếng trong cộng đồng doanh nghiệp bức xúc "tổ chức hội thảo dành cho doanh nhân nhiều khi chua lắm em ơi. Nhiều người hổng có quan tâm đến việc cải thiện kỹ năng hay kiến thức. Hội thảo có quan chức tham dự thì họ mới đi, không thì thôi. Vì họ kinh doanh dựa vào mối quan hệ mà. Chua lắm"
.
Bên cạnh đó, rất nhiều entrepreneur thậm chí còn không trả lời được câu hỏi, khác biệt của sản phẩm/dịch vụ của anh là gì? Nói chung là biết lao ra đại dương đỏ nhưng vẫn cứ lao. Vì bản lĩnh người trẻ mà, không ngại khó khăn thử thách mà, kinh doanh thì phải chông gai. Đúng vậy, kinh doanh thì rất chông gai, nhưng đâm đầu vào chỗ khó mà thiếu sự chuẩn bị tốt cả về tâm lý và nguồn lực thì đó là ngu dại. Và khi đã vào guồng rồi thì khó mà rút ra. Và nhiều người dành cả đời cho cái nghiệp kinh doanh cơ cực tại Việt Nam mà lẽ ra nó không dành cho mình. Có người nói, khởi nghiệp nếu thất bại thì cũng là bài học lớn. Đúng, thật sự nếu bạn là một entrepreneur thì khởi nghiệp thất bại bạn cũng chả hề hấn gì. Nhưng nếu không phải thì nó càng tác động tiêu cực đến tâm lý, và làm lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc, cả những mối quan hệ gia đình và xã hội.
.
Một tinh thần doanh nhân, một nền kinh tế mạnh với những ông chủ giỏi thì rất tuyệt vời, nhưng sẽ tai hại nếu các bạn trẻ bước ra đời với tinh thần...chỉ muốn làm chủ. Làm chủ kiểu gì khi mà những căn bản về kỹ năng, thái độ làm việc chuyên nghiệp còn chưa có? Nhiều bạn tách ra làm chủ chẳng qua vì không đáp ứng được yêu cầu năng lực khi làm thuê, hoặc nhà quá có điều kiện nên tiêu bớt tiền ông bà già, hoặc làm này làm kia hùn hạp với bạn bè mà chẳng hiểu rõ về sản phẩm... Còn mấy bạn khởi nghiệp công nghệ thì đôi khi đọc quá nhiều Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg mà quên rằng những người đó không phát triển ở môi trường Việt Nam! Có bạn sau khi thấy Hà Đông kiếm triệu đô với Flappy Bird thì nghỉ việc, tách ra viết game riêng, sau một thời gian thất bại lại muốn quay lại công ty cũ!
.
Kinh doanh, khởi nghiệp cũng chỉ là một phần của nền kinh tế. Cái chúng ta đang thiếu ở Việt Nam là giáo dục, văn hoá, và rất nhiều những thứ khác. Các phương tiên truyền thông có vẻ cũng ưu ái những tấm gương kinh doanh giỏi nhiều hơn các lĩnh vực khác nên các bạn trẻ càng ảo tưởng. Đất nước lại trong giai đoạn hội nhập, rõ ràng là cơ hội kinh doanh rất nhiều. Thế là lại sản sinh rất nhiều bạn trẻ có gan làm giàu, sau một thời gian thì ứa gan ứa mật. Nhiều người trong số đó, biết đâu có thể là một nhà giáo ưu tú, một nhà văn hoá xuất chúng, một cán bộ nhà nước mẫn cán, một kỹ sư tài ba, hay một bác sĩ tài năng? Nhưng nếu có thể lựa chọn, xin đừng lựa chọn kinh doanh nếu nó không phải dành cho mình, nếu bạn thật sự không biết mình muốn làm gì.
.
Ở Việt Nam, phong trào khởi nghiệp thật sự là một phong trào nguy hiểm mà những thiệt hại và chi phí cơ hội là không thể tính hết. Mình sẽ vẫn tiếp tục gắn bó với những chương trình liên quan đến khởi nghiệp kinh doanh, nhưng mình không cỗ vũ điều đó cho tất cả mọi người. Rất mong Vn tiếp tục xuất hiện những doanh nhân, người làm chủ xuất chúng, và cũng rất mong những người xuất chúng ở các lĩnh vực khác nữa.
.
P.S: Trong ảnh là hình ảnh mô hình Dreamplex, văn phòng chia sẻ quy mô lớn đầu tiên tại TPHCM sẽ khai trương vào giữa tháng 11, nơi hứa hẹn sẽ tập trung nhiều công ty khởi nghiệp trẻ. Mình dự định sẽ quay hình vài talk-show tại đây, với những chủ đề hướng nghiệp giúp nhiều bạn trẻ thoát khỏi cái phong trào nguy hiểm không dành cho họ!


Fb/tranquockhanh

20 thg 8, 2015

Tại sao Đường Tăng vô dụng lại thành người lãnh đạo?

4 điều rút ra sau đây sẽ cho bạn 1 bài học quý báu trong cuộc sống, công việc kinh doanh đặc biệt là những người đang làm ở vị trí quản lý.

1. Niềm tin tối cao

Cái đầu tiên mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là niềm tin tối cao.
Đường Tăng luôn tiến về phía trước bằng niềm tin cao nhất của mình, dù có hi sinh tính mạng không từ bỏ, nhưng Ngộ Không thì không thể. Anh ta năng lực tốt, nhưng không kiên định vào mục tiêu của mình, nhiều lần đánh trống bỏ dùi. Người không có niềm tin, sẽ khiến người khác không tin theo và mất đi động lực, khi gặp phải khó khăn thì dễ dàng chùn bước, người lãnh đạo một khi khiếp đảm, lùi bước rồi, thì đoàn đội anh ta cũng tan vỡ theo. Với những người không có đủ niềm tin tối cao cũng không được, chỉ trông vào lợi ích cá nhân, biết mình không biết người thì chỉ khiến người khác bỏ mình mà đi.
Giống như Tống Giang trong Thủy hử truyện, là một người không có niềm tin tối cao, cuối cùng bị chiêu an, mà cái lý tưởng cao nhất của ông ta cũng chỉ có vậy, vì thế mà hại chết cả đồng đội của mình.

2. ‘Vô Dụng’ cũng là tài sản quý giá của một người lãnh đạo

Cái thứ 2 mà Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có chính là ‘Vô Dụng’.
Đường Tăng vô dụng như vậy nên ông ta mới thích người có bản lĩnh, mới có thể bao dung những khuyết điểm của người khác (cũng vì như vậy nên phần lớn những chuyên gia kỹ thuật không làm nổi ông chủ), và mới tìm được ba đồ đệ tài ba bảo hộ mình. Nếu như Đường Tăng cũng thần thông quảng đại, thì Tôn Ngộ Không sẽ không tình nguyện theo ông ta rồi.
Cũng chính vì Đường Tăng vô dụng mà Tôn Ngộ Không mới có đất dụng võ, mới khiến anh ta có thể thể hiện được hết giá trị của mình.Cứ xem Tôn Ngộ Không dù năng lực có mạnh như vậy, nhưng đám đồ tử đồ tôn của anh ta ở Hoa quả sơn, cũng chỉ toàn là lũ vô dụng (thùng cơm), không một ai được việc gì. Vì bản lĩnh của anh ta quá lớn, anh ta mới xem thường khả năng của người khác, vậy là những người có năng lực cũng không thích cùng anh ta. Bản thân là kẻ mạnh, nhưng đoàn đội của anh ta lại trở thành một lũ vô dụng.
Nhiều công ty, xí nghiệp đều có một ông chủ vô cùng giỏi giang, nhưng lại dẫn dắt một đoàn quân vô dụng. Lúc đầu khởi nghiệp, vì sinh tồn, mà bắt buộc phải như vậy để tồn tại, nhưng một khi vấn đề sống còn (sinh tồn) được giải quyết rồi, thì lẽ ra những ông chủ này phải suy nghĩ xem làm thế nào để tạo cơ hội cho những nhân viên tự phát huy khả năng của mình, đồng thời tìm kiếm để bù đắp những công nhân mình còn thiếu, chứ không phải là phàm việc gì cũng tự mình nhúng tay làm (sự tất cung thân), thậm chí ở lĩnh vực chuyên môn không hiểu cũng cứ giả vờ là hiểu.
Như thế một mặt làm mình mệt mỏi đứt hơi, tối mũi tối mắt lo ứng phó, thì tự nhiên còn đâu con đường phát triển. Mặt khác nhân viên của mình cũng bị ‘lùn hóa’ thành ‘công cụ làm việc’ (tay chân); sự phát triển của công ty đi đến chỗ nút thắt cổ bình. Nhiều ông chủ cho rằng chỉ dựa nhân viên thì không được, không thể yên tâm, nếu công ty chỉ dựa vào một mình Tôn Ngộ Không, ngộ nhỡ anh ta không tốt, thì biết thế nào. Khà khà, sao không niệm chú cho vòng kim cô thắt chặt vào? Phải xây dựng một chế độ chính sách để ràng buộc người tài – điều này nhất định không được quên.

3. Nhân đức Cái thứ ba mà Đường Tăng có, Tôn Ngộ Không không có là ‘nhân đức’.

Vì có lòng nhân đức nên Đường Tăng thương hại cả tính mạng của yêu quái, như thế cũng sẽ không biết so đo với thuộc hạ của mình, sẽ không phạt hay trừ tiền công của họ, không ức hiếp họ phải tăng ca, không thực hiện ‘tẩy não giáo dục’, không lợi dụng họ gánh thay trách nhiệm pháp luật, che chắn bản thân khi gặp nguy hiểm,…
Đường Tăng mặc dù lợi dụng ba đồ đệ bảo hộ mình, nhưng lại tuyệt đối không có ý bóc lột mà lại dẫn dắt họ cùng nhau nỗ lực, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau thành công. Sau cùng, ba đồ đệ của Đường Tăng cũng đều đạt được thành tựu .
Đường Tăng không giống như Triệu Khuông Dẫn ‘chén rượu tước binh quyền’ hoặc là ‘chim trời chết, chó săn cũng thịt’. Còn với Tôn Ngộ Không thì ý thức này của anh ta kém xa sư phụ của mình, sau này khi là ‘đấu chiến thắng Phật rồi’, nhưng bầy quân của anh ta ở Hoa quả sơn cũng vẫn chỉ là bầy khỉ hoang mà thôi.
Ở Nhật Bản có một công ty, họ mời bố của nhân viên đến công ty ngồi tọa đàm với các quản lý. Ông chủ công ty nói với toàn bộ quản lý, khi các vị không biết phải đối đãi thế nào với những nhân viên dưới quyền của mình, thì hãy nghĩ lại ngày hôm nay, những ông bố của nhân viên mình đã gửi gắm con của họ cho các vị, là mong các vị có thể giáo dục họ trưởng thành, dẫn dắt họ đi đến thành công. Các vị phải nghĩ xem bản thân mình đã xứng với sự ủy thác đó chưa?

4. Mối quan hệ

Cái thứ tư Đường Tăng có mà Tôn Ngộ Không không có đó là ‘mối quan hệ’ (nhân tố quan hệ).
Kiếp trước của Đường Tăng đã là đệ tử của Phật thích ca mâu ni, còn Tôn Ngộ Không chỉ là một con khỉ đá do trời đất sinh ra không mảy may có một mối quan hệ dây dưa nào. Mặc dù anh ta có bái một vị sư phụ, nhưng lại kém cái quan hệ với với các sư huynh đệ đồng môn, sau cùng lại còn bị sư phụ đuổi xuống núi (tống cổ), kết anh em với Ngưu Ma Vương, nhưng sau rồi cũng lại phản, là hàng xóm với Đông Hải Long Vương vậy mà còn cướp đoạt đồ nhà người ta, cùng là đồng sự (đồng nghiệp) với Nhị Lang thần và các quan tướng khác ở thiên đình nhưng chẳng tôn trọng nể mặt người khác (làm mất mặt đồng nghiệp). Cuối cùng lại còn gây đại náo thiên cung, ‘đá đít’ nhiều người. Cuốn sách ‘Ai che lưng cho bạn’ cũng đã nói cấm có sai, ở Việt Nam ta nhất quan hệ rồi nhì mới đến tiền tệ có lẽ cũng là cái quy luật này.
Tóm lại, mối quan hệ xã hội của TNK rất không tốt. Đường Tăng thì không giống như vậy. Ông nhìn thấy thần tiên đều rập đầu bái lạy, cũng không có một kẻ thù nào. Ông không những là đệ tử của Như Lai, lại còn là ngự đệ của vua Đường Lý Thế Dân. Mối quan hệ cao cấp ở cả hai giới người và thần đều có, quan hệ không những tốt mà còn là quan hệ ở cấp cao, quan hệ thông thiên. Người như vậy thì làm ông chủ sẽ thuận buồn xuôi gió. Xã hội là do con người cấu thành, quả đất này nếu không có con người, thì tất cả sự giàu có, tất cả vật chất đều không có ý nghĩa gì hết. Con người là nguồn tài nguyên bản chất nhất thế giới này, là sáng tạo của mọi tài sản. Là một ông chủ, về đối ngoại phải biết tạo dựng những mối quan hệ (nguồn quan hệ), đối nội phải biết sáng tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài).
Tóm lại, Đường Tăng hơn Tôn Ngộ Không những thứ gì ? ĐÓ LÀ NIỀM TIN TỐI CAO, ‘SỰ VÔ DỤNG’, TRÁI TIM NHÂN ĐỨC và HỆ THỐNG QUAN HỆ XÃ HỘI TỐT.
Vì thế Đường Tăng có thể làm lãnh đạo, có thể lãnh đạo được Tôn Ngộ Không. Dù Tôn Ngộ Không trong mắt chúng ta là một anh hùng, nhưng anh ta lại không thể tự mình làm nên sự nghiệp vĩ đại, anh ta cần thiết phải dựa vào Đường Tăng dẫn dắt mình. Với ý nghĩa này, Đường Tăng mới là một anh hùng, ít nhất cũng là anh hùng mà những ai làm ông chủ thực sự sùng bái.

13 thg 7, 2015

30 Ngày Ăn Kiêng Truyền Thông

Bằng cách nhịn ăn, tôi đã có được một sức khỏe hoàn hảo, một trạng thái sống mới, một cảm giác trong sạch và hạnh phúc, điều mà đa số mọi người còn chưa biết tới.”  – Upton Sinclaire
Đây là tình huống tiến thoái lưỡng nan của một bạn trẻ hiện đại. Nếu bạn không tiếp thu thông tin, bạn sẽ lạc hậu và không biết điều gì đang xảy ra trên thế giới. Nếu bạn tiếp thu thì có quá nhiều thông tin rác khiến bạn loạn não.
Thông tin đối với bộ não giống như thực phẩm đối với dạ dày. Đó là nguồn dinh dưỡng quý giá cho tinh thần. Cứ thử không đọc sách, báo, xem phim, nghe nhạc, chơi games trong 7 ngày xem, bạn sẽ cảm thấy trí óc mình nhỏ bé hơn bao giờ hết và cuộc sống mình trở nên nhạt nhẽo không chịu nổi.
Thức ăn có loại rác rưởi và loại dinh dưỡng. Thì thông tin cũng có loại tào lao và loại bổ ích. Nếu bạn sống trên 10 năm, cơ thể bạn đã nạp một khối lượng đáng kể những thức ăn rác rưởi. Tương tự, một bạn trẻ hiện đại đang tiếp nhận lượng thông tin nhiều gấp 10 lần so với cha mẹ bạn thời trước.
Làm gì khi cơ thể bạn bị nhiễm độc? Nhịn ăn là cách tột bực để thanh lọc cơ thể và cho cơ thể cơ hội nghỉ ngơi. Làm gì khi bộ não bạn bị đổ rác? Nhịn tiêu thụ thông tin để hiệu chỉnh lại thói quen và thanh lọc bộ não của mình.
Một cách tuyệt vời giảm đi hiệu ứng ảnh hưởng truyền thông là thử 30 ngày ăn kiêng truyền thông. Trong vòng 30 ngày, bạn hãy tắt TV, ngừng đọc báo, tạp chí, báo mạng, mạng xã hội xuống đến mức tối thiểu thậm chí dứt hẳn. Hãy thử ngắt kết nối với các phương tiện truyền thông này và xem thử điều gì xảy ra.
Dưới đây là 30 ngày ăn kiêng truyền thông của Phát Triển Cá Nhân VN.

30 Ngày Ăn Kiêng Truyền Thông

#01: Nhận ra tôi có rất nhiều nguồn thông tin để xem, nhưng không phải nguồn thông tin phải xem. TV Show hấp dẫn, tạp chí màu mè có hình thiếu nữ uốn éo, báo mạng với những tin cướp-giết-hiếp. Chúng có đáng thời gian bỏ ra không?
#02: Liệt kê tất cả nguồn thông tin đang nhồi nhét vào đầu. Mực Tím, Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Hoa Học Trò, The Word HCMC, Doanh Nhân Sài Gòn, Thế Giới Games, kenh14, vnexpress, notcourt, lifehacker, gizmodo, mashable, Discovery Channel, National Geography, HBO… Ưu tiên số một: giá cả. Ưu tiên số hai: chất lượng. Câu hỏi: Liệu mình có thể có được lượng thông tin tương tự với mức giá miễn phí không? Câu trả lời:Viva la Internet!
#03: Sau khi liệt kê là phân loại. Phân loại theo chủ đề là cách dễ nhất: Phong Cách Sống, Văn Hóa (Tin tức thời sự), Giải Trí (Điện Ảnh, Âm Nhạc), Kinh Doanh, Internet Marketing, Phát Triển Cá Nhân... Tôi chọn tối đa 3 nguồn thông tin chuyên gia với những chủ đề đặc biệt quan tâm và 1 nguồn thông tin tổng hợp cho những chủ đề ít quan trọng hơn. Nhiều hơn là tự sát!
#04: Cắt bỏ gần hết tạp chí giấy trừ Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Đọc tin công nghệ và thời sự trên tạp chí giấy trở nên lỗi thời và tốn thời gian với bạn trẻ hiện đại. Những tin thực sự quan trọng sẽ được phổ biến rộng rãi và miễn phí, không chỉ riêng báo giấy.
#05: Sử dụng Feedly để nhập tất cả tin RSS. Bây giờ tôi có thể duyệt 100 bài báo trong 10 phút.
#06Du lịch và không đọc gì cả, trừ sách.
#07: Vẫn đọc sách, thấy tâm trí mở mang nhiều hơn là đọc báo.
#08: Ngày rảnh rỗi. Thỉnh thoảng lại nhấn bookmark vào đọc mấy tập chí lá cải và xem hình các người đẹp. Mất một buổi sáng chỉ để tìm hiểu lý do sao ngôi sao này mập thế, anh này đang mần thịt cô nào. Một cách tốn thời gian rất tiêu biểu của dân công sở.
#09: Chấm dứt việc đặt tất cả các loại báo giấy. Tiết kiệm được khoảng 100.000VNĐ/tháng. Hóa ra kiến thức rẻ hơn (và bổ dưỡng hơn) một phần combo tại các tiệm fastfood.
#10: Người Việt Nam giỏi bắt chước nhưng là bắt chước vụng về. Các biên tập viên báo mạng Việt Nam chọn bài rất bản năng gốc: mắt không nằm trên đầu mà ở giữa hai chân. Một khuôn mẫu quen thuộc: chỉ cần (1) là con gái và (2) xuất hiện trên báo thì dán ngay mác cute, sexy, hot bất chấp thân chủ không đáng như thế. Ngay cả tạp chí Playboy cũng không vãi từ sexy đến vậy. Không sai khi nhận định Việt Nam không có người mẫu chỉ có siêu mẫu. Du lịch Việt Nam, điểm đến của tinh thần lạc quan và ngoại hình sexy nhất thế giới.
#11: Ngẫm nghĩ về thiết kế website. Các trang báo mạng có cách thiết kế magazine theme theo kiểu thập diện mai phục. Bài hay nhất, bài liên quan, tiêu điểm, bài cùng chủ đề…Và quảng cáo ở khắp nơi, header, sidebar, footer, in-content…
#12: Tiếp tục cắt giảm nguồn thông tin lại. Số nguồn thông tin hiện tại: 20.
#13: Dành một ngày để phá băng game. Không đọc tạp chí hay sách. À có, sách nấu ăn để có một bữa trưa ngon lành.
#14: Café sáng. Vệ sinh nhà. Hẹn hò đêm. Một ngày hiệu quả và hạnh phúc hơn là ngồi bên cạnh vi tính và đọc hết bài này đến bài khác. Năng lượng dần trở lại với Dr. X.
#15: Không cảm thấy nhớ những báo giấy đã gắn bó hơn 3 năm lắm. Xa mặt cách lòng. Chất lượng nhiều đầu báo đã không có thể làm con tim vui trở lại nữa. Khi đầu óc bạn phát triển, bạn cần một loại chất lượng thông tin cao cấp hơn.
#16: Rèn luyện kỹ năng đọc nhanh. Đây là kỹ năng mềm quan trọng để ăn kiêng thông tin. Cảm thấy đọc nhanh thôi không đủ? Bạn có thể học cách nghe nhanh, xem nhanh, nói nhanh, chơi nhanh, ngủ nhanh. Chúng có thật và khoa học đấy. Đó là cách gần nhất để bạn có thể trở thành The Flash!
#17: Số lượng nguồn thông tin từ báo chí coi như ổn định. Đến lượt TV. Tôi sẽ thanh trừ cậu, liệu hồn đấy!
#18: Không quá khó để từ bỏ TV với một chàng trai thành phố – có nhiều thứ để làm hơn là ngồi dán mắt vào màn hình. Canh giờ xem chương trình TV yêu thích trở thành một thứ xa xỉ. Các TV Show tẻ nhạt. Quảng cáo chiếm quá nhiều thời gian. Phim đại chúng ít chọn lọc. Tóm lại: TV đang trở thành một loại hình giải trí kém hấp dẫn với bạn trẻ.
#19: Cắt dịch vụ truyền hình cáp. Tiết kiệm được 80,000VNĐ/tháng. Ở Việt Nam, giá dịch vụ truyền hình cáp đã âm thầm nguy hiểm tăng từ 20,000VNĐ lên 80,000VNĐ chỉ trong 5 năm. Còn nhanh hơn cả giá xăng. Tôi cũng chỉ thường xuyên xem 5 trong 80 kênh truyền hình cáp, như vậy là ít hơn 10%.
#20: Mời bạn bè qua nhà ăn trưa. Xem một bộ phim hay. Sau những cuộc đối thoại sâu sắc, tin tức tầm phào trở nên nhạt nhẽo như một dĩa mì Pasta không sốt cà chua/phô mai.
#21: Vẽ Mindmap tổng hợp kiến thức đã học. Cắm đầu đọc hết một quyển sách hay, cảm thấy sâu sắc hơn. Đấy mới gọi là FaceBook.
#22: Đơn giản hóa chức năng tốt nhất của TV trong thời buổi hiện đại: Công cụ phát tín hiệu số cho Xbox360/Wii/PS3. Nói đơn giản, làm màn hình chơi games.
#23: Tải những phim điện ảnh, phim bộ, chương trình truyền hình bằng uTorrent. Tôi có thề vừa làm việc vừa xem phim trên vi tính. Không có quảng cáo nữa, tuyệt!
#24: YouTube là lựa chọn thay thế tuyệt hảo cho TV. Tuy nhiên YouTube với số lượng video liên quan khổng lồ của nó có thể làm một thanh niên khỏe mạnh ngập ngụa hàng tiếng đồng hồ trong các MV sexy. Tôi mất một buổi tối chỉ để xem hết video này đến video khác trên YouTube.
#25: Giải pháp: Youtube Video Downloader. Công cụ này giúp bạn tải tất cả videoclip/playlist từ kênh Youtube. Tôi sưu tầm được nhiều video nóng bỏng hơn và tiết kiệm khoảng 5 tiếng một tuần.
#26: Cài AdBlock cho trình duyệt để hạn chế các quảng cáo ngu ngốc cứ nhảy xổ ra từ nhiều diễn đàn rác. Bạn có nhớ các quảng cáo máy tan mỡ bụng không? Thay vì dán vào bụng bạn nên dán vào đầu. Khi nó rung bạn hãy niệm thần chú sau: Tôi-sẽ-không-vô-cớ-mua-những-thứ-ngu-ngốc-nữa.
#27: Đặt lại lịch tiêu thụ thông tin. Xem YouTube vào tối thứ 6. Duyệt 100 bài báo vào sáng thứ 7. Xem một bộ phim hay vào Chủ Nhật. Chỉ vậy mà thôi.
#28: Viết Nhật Ký Mặt Trời. Càng tự truy vấn và suy ngẫm về chính mình, càng thấy thú vị. Cuộc đời mình là chuỗi những chuyện đáng nhớ, quan tâm gì đến những tin tầm phào của đời người khác?
#29: Cảm thấy trí óc minh mẫn hơn. Những quảng cáo lặp đi lặp lại có thể làm một bạn trẻ ngu đi. Nhất là các em bé bị bệnh phải có quảng cáo mới chịu ăn cơm.
#30: Hoàn thành thử thách. Tự cho mình quyền làm bất cứ thứ gì mình luôn muốn làm. Phần thưởng: ăn một Big-Size Pizza cùng bạn bè, mọi người sẽ nâng ly Coke chúc mừng cuộc thử thách bản thân huyền thoại vừa qua.

Vĩ Thanh

Tiêu thụ vô tội vạ mọi thông tin bạn vớ được là lựa chọn dễ dàng. Nhưng không phải lựa chọn đúng. Đó là con con đường nhanh nhất để trở nên đờ dẫn tinh thần và bị nô lệ tư duy.
30 ngày ăn kiêng truyền thông là một trải nghiệm khai sáng. Đây là những lợi ích tốt đẹp tôi cảm nhận được:
  • Cho bộ óc bạn có cơ hội nghỉ ngơi để có thể hoạt động
  • Bài tiết các thông tin độc hại bám vào đầu bạn quá lâu
  • Làm trẻ, làm chậm quá trình lão hóa, đãng trí và tăng tuổi thọ
  • Tái lập sự cân bằng não bộ
  • Bảo toàn năng lượng, thăng hoa về tinh thần và tâm linh
  • Làm trí óc minh mẫn, giác quan nhạy bén và tăng cường trí nhớ
  • Bỏ những thói quen xấu: ngồi cả ngày, vẹo lưng, nhìn chằm chằm vào vi tính, ngồi lê đôi mách
Xem tin nhảm nhí là giết tin chất lượng. Tưởng tượng điều ngược lại, bạn trẻ nói không với thông tin cấp thấp. Đài truyền hình sẽ sập đến phân nửa. Các báo lá cải sẽ biến thành giấy vệ sinh. Đó là một thế giới mới! Ít ra, giới truyền thông sẽ phải học cách đưa những nguồn thông tin chất lượng hơn để phù hợp với thị hiếu khán giả.
30 Ngày Ăn Kiêng Tv, 30 Ngày Ăn Kiêng Mạng Xã Hội, 30 Ngày Ăn Kiêng Báo Chí, 30 Ngày Ăn Kiêng Sách Vở, 30 Ngày Ăn Kiêng Bạn Bè…
Hãy tự thử xem.
Source : http://www.phattriencanhanvn.com/

1 thg 7, 2015

Coworking space và "ngộ nhận"

Bạn đã bao giờ chuyển sang một phòng gym mới chỉ vì tại đó, mọi người tập rất hăng say chưa?

Nếu có, chắc chắn bạn hiểu nguồn năng lượng mà tôi nói đến tại một coworking space là gì.

Coworking space là nơi bạn làm việc dưới một mái nhà với những người có cùng tư duy. Nguồn cảm hứng của bạn trở thành cảm hứng cho những người xung quanh và ngược lại, tạo nên một năng lượng đặc biệt cho các thành viên trong cộng đồng đó.

Nhưng không phải ở đâu cũng tạo được nguồn năng lượng ấy. 

Dưới đây là một số mô hình kinh doanh đang bị nhầm lẫn với coworking space tại Việt Nam. 

Shared Office – Dịch vụ chia sẻ văn phòng
Bạn có thể đến làm việc trong cùng một không gian, chia sẻ các tiện ích văn phòng. Cá nhân hoặc tổ chức đến đó, đa phần, làm việc một cách độc lập. Một số khác sử dụng dịch vụ văn phòng ảo, để tạo địa chỉ giao dịch khi cần thiết. Tạo dựng sự tương tác không phải là chủ đích của những người tổ chức dịch vụ đó. Regus là thương hiệu dẫn đầu thế giới về mô hình này.

Incubator/Nest - Vườn ươm
Là mô hình liên quan đến các tổ chức giáo dục, xã hội hoặc/và những nhà đầu tư. Mô hình này nhắm đến những nhóm khởi nghiệp. Đơn vị tổ chức cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn phục vụ cho việc khởi nghiệp của các thành viên. Họ có cung cấp chỗ ngồi làm việc. Mục đích chính là giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu. Nhưng khi các thành viên đã phát triển qua giai đoạn đầu của khởi nghiệp thì việc gắn mình với một tổ chức gồm toàn nhóm khởi nghiệp không còn thích hợp như: hình ảnh thương hiệu, cơ hội hợp tác. Hub.IT hay Nest của Hatch! tại Hà Nội, thực chất, là incubator.

Networked Office - Văn phòng liên kết
Một vài công ty ngồi chung với nhau một không gian làm việc để tạo thành một nơi làm việc thú vị hơn được gọi là Văn phòng liên kết. Tính tương tác tại mô hình này đã được đề cao và gần với coworking space. Nhưng sự đa dạng về đối tượng tham gia và mức độ chủ định để tạo tương tác, thúc đẩy các cơ hội hợp tác vẫn không cao bằng tại một không gian làm việc chung đích thực.

Vài năm trước, khi còn làm trong ban giám đốc của Richard MooreAssociates, chúng tôi đã kết hợp với công ty tư vấn luật của mình và một công ty trong lĩnh vực giao nhận để ngồi chung văn phòng. Trong giai đoạn mới phát triển thị trường tp. HCM, điều này tiết kiệm chi phí và giúp đội ngũ nhân sự, còn rất ít, có cảm giác tự tin như đang làm việc trong một tổ chức lớn.

Cafe, Bar
Dĩ nhiên, không phải là không gian làm việc chung xét về cả tiện ích và cộng đồng. Nhưng đang có rất nhiều người làm việc tại đây. Bạn chỉ cần mang theo laptop, miễn là dùng đồ ăn, đồ uống của quán là có thể ngồi làm việc. Tôi và một co-founder khác của Toong, coi Starbucks là nơi làm việc thường xuyên từ trước khi có ý tưởng làm coworking space. Starbucks cũng coi mình là "nơi thứ 3 - sau nhà và nơi làm việc".

Một số quán cafe tại tp.HCM cũng đang giới thiệu mình với như một nơi mà mọi người có thể làm việc ở đó. Tuy nhiên, những bất tiện khi làm việc ở đây thì không khó để nhận ra. Bạn không thể kiểm soát được người ngồi cạnh bạn có đến để làm việc không, trẻ nhỏ, mức độ tiếng ồn.... Tâm lý "ngại ngồi lỳ tại quán của người ta" khiến bạn sẽ phải thấm thỏm đi chỗ khác.

Hacker & Maker Space
(Tạm dịch là “Không gian học và làm”. Mình không giỏi dịch nên bạn nào có cao kiến thì chỉ giúp)

Một mô hình mà cá nhân tôi thấy rất thú vị. Đây là nơi tập hợp các thành viên để cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng về một hay một số lĩnh vực nào đó và cùng thực hiện các dự án liên quan. Nhưng nếu xét trên khía cạnh làm việc chuyên nghiệp (thực ra học cũng có thể “chuyên nghiệp”, nhưng chắc các bạn hiểu tôi muốn nói gì) thì không gian này chưa phải là một coworking space đúng nghĩa. Tại tp.HCM, theo tôi thì Work Saigon đang nghiêng về mô hình này, kiêm cafe. Nhưng vì là một thương hiệu đi trước, họ vẫn đang được nhiều người biết đến như coworking space uy tín.

Qua tìm hiểu của tôi, còn một số mô hình khác gần giống, nhưng không phải là coworking space, nhưng chưa du nhập đến Việt Nam nên tạm thời chưa đề cập đến. Bao giờ du nhập về, nói tiếp. Mỗi mô hình đều có những điểm thú vị riêng và phù hợp với những như cầu khác nhau, chỉ là những mô hình đó không hẳn là một coworking space thực thụ.

Note tới sẽ “mổ xẻ” những lợi ích khi làm việc tại một coworking space với có số liệu survey tổng hợp từ các nước đang phát triển mô hình này.

Bạn đã sẵn sàng chuyển "phòng tập" chưa?

Source : https://www.facebook.com/notes/duong-do/coworking-space-v%C3%A0-ng%E1%BB%99-nh%E1%BA%ADn/10152897813198038?pnref=story
By Duong Do