Trang

27 thg 12, 2017

Vì sao tình yêu "bao bọc" lại tạo ra những con người vô ơn.

Trên đời này, người mẹ tốt nhất là người biết lui về một cách thích hợp, tình thân vĩ đại nhất là biết buông 
tay đúng lúc. Tước đoạt những cơ hội trưởng thành về nhân cách của con cái, thì chúng sẽ không có tâm hồn, 
tín ngưỡng của bản thân. Chúng chỉ là những em bé to xác và những kẻ vô ơn.
Cách chung sống tốt nhất giữa con người với con người chính là: Cuộc sống của bạn, tôi chỉ chúc phúc 
chứ không can thiệp, quyết định của bạn, tôi chỉ tôn trọng chứ không ép buộc.
Sự nuông chiều của một người mẹ và cái kết buồn

Ngọc Mai 36 tuổi, sau khi ly hôn cô đưa con về sống với mẹ đẻ. Cũng từ đó cô ấy mang theo những rắc 
rối bất tận cho mẹ của mình. Trước kia cô cũng nợ một khoản tiền lớn. Sau này cô cả tin vào một “người 
bạn” không hề quen biết, cùng hùn vốn làm ăn với họ. Chẳng bao lâu sau số tiền vốn ấy cũng đội nón ra 
đi.
Điều khiến người ta không thể hiểu được là: Cô ấy biết rõ rằng người bạn này có hành vi không ngay 
chính, nhưng vẫn giấu kỹ sự thực này khiến mẹ cô phải vay mượn họ hàng cả trăm triệu cho cô buôn 
bán.
Kết quả là việc làm ăn thất bát và mẹ cô phải cõng cả một khoản nợ kếch xù trên lưng. Chủ nợ thường 
tới nhà đòi nợ, đe dọa liên miên, khiến người nhà luôn phập phồng lo sợ, bất an. Nhưng thu nhập của cô 
ấy không cao lại chẳng có tiền tiền kiệm.
Cho nên hai món nợ này đều do mẹ cô gánh vác. Nhưng kỳ lạ là trong hoàn cảnh túng quẫn như vậy, cô 
vẫn không chăm chỉ làm ăn mà lại để con cho mẹ già chăm sóc. Còn cô suốt ngày bù khú ăn chơi nhậu 
nhẹt với đám bạn xấu.
Quá bất lực hai hàng nước mắt của bà lăn dài. Bà vừa khóc vừa nói: “Nếu con vẫn không hối cải mẹ sẽ 
không tiếp tục lo lắng cho hai mẹ con con nữa. Con hãy ra khỏi nhà của mẹ và học cách sống tự lập!”. 
Nhưng cô con gái không thấy xấu hổ mà cầu xin mẹ tha thứ.
Ngược lại, sự oán hận của cô còn lớn hơn cả mẹ mình. Cô nói rằng cô mới là người phải chịu oan ức, 
đây đều là sai lầm của mẹ. Mẹ cô tròn mắt kinh ngạc, không ngờ cả đời che chở và yêu thương, chăm lo 
cho con gái lại đổi lại những lời vong ơn bội nghĩa như thế này.
Sự đùm bọc của anh trai và người em chỉ biết ăn chơi hưởng thụ
Câu chuyện của Ngọc Mai khiến tôi nhớ đến Nam, một người họ hàng xa, cũng chẳng để tâm đến việc 
nhà hay ngó ngàng đến con cái. Suốt ngày anh ấy chỉ biết ăn chơi hưởng thụ và kết bạn kết bè. Nam 
cũng bị một người bạn không đáng tin cậy lừa đến mức suýt chút nữa phải lưu lạc đầu đường xó chợ. 

Cuối cùng nhờ anh trai chạy đôn chạy đáo vay mượn tiền mới giúp Nam giữ được căn nhà.
“Những em bé lớn xác” chưa trưởng thành về tâm hồn và trí tuệ
Nam và Ngọc Mai có khá nhiều điểm tương đồng. Họ đều không biết chịu trách nhiệm về những việc 
mình làm, đầu óc khá đơn giản, cả tâm hồn và trí huệ đều chưa trưởng thành.
Những người như thế này trong tâm lý học gọi là “Những em bé lớn xác”.

Đặc điểm chủ yếu của những em bé lớn xác là tuổi sinh lý đã đạt được tiêu chuẩn của người trưởng 
thành, nhưng tâm hồn và trí tuệ lại chỉ như những đứa trẻ.
Nhân cách của những em bé lớn xác này rốt cuộc được hình thành như thế nào?
Kỳ thực chủ yếu bắt nguồn từ hai phương diện: Một là giáo dục gia đình, hai là môi trường xã hội.
Mẹ của Ngọc Mai là một phụ nữ khá cứng rắn. Nghe nói mọi chuyện trong nhà từ việc lớn đến việc nhỏ 
đều do bà quyết định. Con cái và chồng xưa nay chỉ đóng vai những người phục tùng vâng lệnh. Tức là 
mọi chuyện đều do mẹ cô nắm giữ. Ngay cả hai món nợ của Ngọc Mai cũng do mẹ cô chịu trách nhiệm 
bồi hoàn.
Còn anh trai của Nam thì vô cùng gia trưởng. Khi cha mẹ qua đời, Nam vẫn là một đứa trẻ. Mọi chuyện 
trong nhà đều do một mình anh trai quyết định. Ngay cả việc Nam lấy vợ như thế nào, làm công việc gì, 
thậm chí con cái Nam sẽ học trường nào, cũng đều phải nghe theo sự sắp đặt của anh trai. Anh trai 
thường không yên tâm về Nam và cho rằng em trai mình không biết cách giải quyết việc nhà. Vậy nên 
trước sau anh trai Nam vẫn không chịu buông tay, không để cho Nam có cơ hội tự mình lo liệu mọi 
chuyện.
Bao nhiêu năm qua, anh trai Nam đã dốc biết bao tâm sức hoạch định cuộc đời cho em trai mình, hết 
lòng lo lắng, vun vén cho Nam. Nhưng kết quả lại khiến lòng người băng giá. Anh ấy càng quản chặt thì 
Nam lại càng không có chí tiến thủ. Nam càng không có chí tiến thủ thì anh trai lại càng lo lắng. Lâu dần 
đã hình thành nên một vòng luẩn quẩn.
Trên thực tế, trong một mối quan hệ, những người được người khác “chăm sóc” đương nhiên dễ hình 
thành một lối tư duy dựa dẫm, ỷ lại. Ngược lại những người bao bọc quá phận sự lại cho rằng họ đang 
che mưa che gió, giúp người thân của mình giải quyết những phiền phức. Vậy nên những người được 
chăm sóc kỹ càng trên thực tế đều không thực sự trưởng thành. Nói cách khác là họ đã bị tước đoạt cơ 
hội trưởng thành.
Càng nắm chặt càng mất nhiều, hãy trao sự tôn trọng và tự do cho những người bạn yêu thương
Trong quá trình trưởng thành của những em bé lớn xác, hầu như không có ngoại lệ, bên cạnh họ đều có 
một người thân có cá tính khá mạnh mẽ và hết lòng yêu thương họ. Cả ngày họ được coi sóc và chăm 
chút và không được có ý kiến của riêng mình. Nên sự quan tâm quá mức của người thân lại trở thành sự 
khống chế, tình yêu lại trở thành sự tổn thương.
Kết quả là: Những bậc phụ huynh cứ dốc cạn tâm huyết của mình cho tới tận khi tóc bạc da mồi. Nhưng 
cuối cùng họ không thể nuôi dạy nên những người con hiếu thuận, thay vào đó lại tạo ra những kẻ vô ơn, 
bất tài vô dụng.
Thiếu cảm giác về sự giới hạn, thiếu ý thức tôn trọng, chính là vấn đề phổ biến tồn tại trong tình thân kiểu 
gia trưởng.
Những đứa trẻ trưởng thành trong hoàn cảnh này luôn được người thân che chắn, bảo vệ, chăm bẵm. 
Họ sẽ dần mất đi khả năng tự phán đoán và sức chịu đựng rất mong manh. Họ không có cơ hội tự mình 

đối diện với cuộc sống và tiếp xúc trực tiếp với xã hội. Vậy nên họ không thể nhìn thấy những khiếm 
khuyết cần hoàn thiện và những kỹ năng cần học hỏi.
Tình yêu tốt nhất giữa những người thân kỳ thực là: Hãy buông tay cho họ tự do bay lượn bằng đôi cánh 
của chính mình
Quang có hai cô con gái song sinh 10 tuổi. Hai năm trước, cô bé nói rằng muốn nuôi thú cưng trong nhà. 
Khi nghe thấy đề nghị của cô con gái bé bỏng, Quang đề nghị hai cha con trước tiên hãy lên một kế 
hoạch nhận nuôi chúng, bao gồm: Tới nhà nào nhận nuôi thú cưng, đường đi như thế nào, thủ tục cần 
những gì. Hai bố con còn phân công những công việc sau đó như ai phụ trách vệ sinh, ai phụ trách cho 
chúng ăn uống… Sau này khi không có cha mẹ ở nhà hai cô bé đã tự mình đi nhận nuôi một chú cún 
nhỏ, tự mình ký tên và lăn vân tay.
Vài năm qua chú chó nhỏ này đều do 2 cô bé chăm sóc, mà không làm phiền gì tới cha mẹ. Hai cô bé tỏ 
ra rất có tinh thần trách nhiệm. Quang mỉm cười nói với tôi: “Tôi không hy vọng là bọn trẻ sẽ có thói quen 
hứng thú nhất thời, sau đó lại để lại hậu quả cho cha mẹ giải quyết”. Anh ấy mong rằng qua việc này sẽ 
gây dựng ý thức về tinh thần trách nhiệm cho con mình.
Mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Kỳ thực, Quang luôn áp dụng cách này để 
giáo dục con trẻ, anh chỉ tham gia, cố gắng trao quyền tự chủ, chứ không bắt ép chúng.
Sự thực chứng minh rằng điều Quang làm rất đúng đắn. Điều này khiến hai cô bé trở nên ưu tú hơn, có 
kỷ luật hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi khác. Trong việc học hành hai cô bé cũng không cần cha mẹ 
phải đốc thúc mà rất tự giác. Chúng hiểu rõ rằng học là vì tương lai của chính bản thân mình, chứ không 
phải vì cha mẹ.
Quang thường nói: “Tình yêu tốt nhất giữa những người thân kỳ thực là hãy buông tay cho họ tự do bay 
lượn bằng chính đôi cánh của chính mình”.
Con cái có trở thành kẻ vô ơn hay không, quan trọng là ở những người làm cha mẹ
Khi kết hôn, mẹ chồng nói với chúng tôi rằng: “Các con đều đã trưởng thành rồi, chuyện của mình các 
con tự lo. Mẹ chỉ chúc phúc, chứ tuyệt đối không can thiệp.”
Sau này tôi và chồng quyết định mua nhà như thế nào, đổi công việc gì, tiêu tiền vào đâu, khi nào sinh 
con, cha mẹ chồng đều không hề can thiệp.
Mặc dù tôi thường hỏi ý kiến của các cụ, nhưng cha mẹ đều nói: “Con làm chủ, con cứ tự mình quyết 
định.”
Tôi không biết mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu như thế nào mới được coi là hòa hợp. Tôi chỉ biết 
rằng khi những người cô ruột của tôi tâm sự về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khó khăn và đau đầu 
như thế nào tôi chẳng nói được lời nào. Bởi lẽ tôi không hề có cảm giác đó.
Kỳ thực mẹ chồng rất yêu mến chúng tôi. Nhưng chính vì tình yêu của mình, cha mẹ mới lựa chọn cách 
thông minh và lý trí hơn. Đó chính là ủng hộ và tôn trọng quyết định của chúng tôi.
Vài năm nay, điều duy nhất mà tôi và chồng làm là báo đáp sự tôn trọng mà cha mẹ dành cho chúng tôi 
bằng tình yêu thương sâu sắc hơn. Trong mắt ông bà, chúng tôi chắc chắn là những người con trai và 
con dâu tốt nhất trên đời này. Cho nên, con cái có trở thành kẻ vô ơn hay không thì điều quan trọng là ở 
những người làm cha làm mẹ.
Dẫu là người bạn thương yêu nhất thì họ cũng có quyền tự quyết định cuộc sống của mình
Cách chung sống tốt nhất giữa con người với con người chính là: Cuộc sống của bạn tôi chỉ chúc phúc 
chứ không can thiệp, quyết định của bạn tôi chỉ tôn trọng chứ không ép buộc. Nếu bạn mong muốn tự lập 
tôi sẽ không hoa chân múa tay chỉ trỏ này nọ. Đây chính là cảm giác về giới hạn.
Trong những gia đình mà ít có cảm giác về giới hạn hợp lý, đa phần đều tồn tại những vấn đề nghiêm 
trọng như: cha mẹ con cái không hòa hợp, con cái chẳng thành tài. Còn trong những gia đình có thể 
buông tay một cách phù hợp, đa số cuộc sống đều rất hạnh phúc, hai thế hệ yêu thương và kính trọng 
lẫn nhau. Mối quan hệ giữa các thành viên vô cùng hòa hợp.
Suy nghĩ độc lập, tự do tín ngưỡng chính là một đôi cánh bay vào thế giới của chính mình
Một tác gia nổi tiếng từng nói: “Chúng tôi hy vọng có 2 di sản vĩnh viễn có thể truyền lại cho con cháu: 
Một là nguồn cội, hai là đôi cánh”.
Nguồn cội là gì? Nguồn cội chính là tinh thần và tín ngưỡng của một gia đình. Nhưng một người không 
độc lập về nhân cách sao có thể nhắc tới một tinh thần vĩ đại và một tín ngưỡng cao quý? Những đứa trẻ 
còn cần có một đôi cánh. Điều cần làm là để chúng học cách tự bay lượn bằng đôi cánh của chính mình. 
Các bậc phụ huynh đừng mãi làm chiếc ô bao bọc cho con cái mà tước đoạt quyền trưởng thành và tự 
do bay lượn của chúng.
Đối với người thân, vợ chồng, buông tay chính là buông tay mà thôi. Bởi lẽ không ai là tài sản của riêng 
ai cả, họ lại càng không phải là một phần của bạn. Điều bạn cần làm chính là ủng hộ người bạn đời của 
mình được là chính bản thân họ, được theo đuổi lý tưởng nhân sinh của mình.
Dẫu con đường phía trước đầy trông gai trắc trở, hay là hoa nở giữa trời xuân ấm áp thì mỗi người cũng 
đều cần tự bước đi trên chính đôi chân mình. Hãy tạo nên một con đường tràn ngập ánh sáng rạng rỡ 
vạn dặm của chính mình.
Trên đời này, tình mẹ tốt nhất chính là sự rút lui một cách phù hợp. Tình thân vĩ đại nhất là biết buông tay 
đúng lúc. Tình yêu chân chính kỳ thực lại là bớt yêu đi một chút: Cho phép, ủng hộ, tôn trọng người bạn 
đời của mình nhiều hơn. Hãy để họ được là chính mình, sống thực với những gì mình mong muốn. Đó 
mới là lời chúc phúc tốt đẹp nhất.

Nguồn : tapchitrungnien


20 thg 11, 2017

LÀM GÌ KHI TRẺ GIẬN DỮ


Sự bướng bỉnh và giận dữ (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Tantrum) là diễn ra khá thông thường ở trẻ nhỏ. Đôi lúc điều này đi đến quá đà với những biểu hiện khá mãnh liệt như: nằm lăn lộn xuống đất, khóc và hét lớn, bức tóc bức tai, dậm chân và đá đồ đạc, thậm chí cả cha mẹ của bé.

Một buổi workshop gần đây của GS. James A.G. tại ĐH Connecticut, Mỹ đã hướng dẫn cha mẹ: Tại sao tantrum của trẻ đi quá đà? Làm sao sự quá đà này chấm dứt? và trẻ trở nên ngoan hơn.

CHÚNG TA NÊN HIỂU TANTRUM DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

GS. Potegal M., ĐH Minnesota, Mỹ đã đưa ra 5 cấp độ của Tantrum sẽ đi qua:

CẤP ĐỘ 1: GIẬN DỮ.  Điều này cha mẹ có thể nhận ra thông qua tiếng hét/la rất lớn hoặc trút cơn giận dữ vào vật thể/bản thân/người khác. Tuy nhiên, thời gian nó diễn ra khá ngắn và chỉ dài khi có ai đó tác động vào cảm xúc này.

CẤP ĐỘ 2: GIẬN DỮ VÀ BUỒN BÃ Bắt đầu bằng sự mếu máu và khóc, giẫy giụa giảm dần. Thời gian diễn ra khá dài, chiếm 40% tổng thời gian tantrum.

CẤP ĐỘ 3: ĐỪNG CHẠM TÔI. Bắt đầu những biểu hiện giẫy nẩy lên khi bạn cố chạm vào bé hoặc dỗ dành bé. Thời gian diễn ra khá ngắn, chiếm 10% tổng thời gian tantrum.

CẤP ĐỘ 4: “TÔI CẦN CÁI ÔM” bắt đầu với biểu hiện trẻ giảm đi những thái quá, nhìn ngó xung quanh, cơn khóc có thể vẫn còn, nhưng chịu khó nín khóc khi nghe ai đó nói đến bé. Thời gian này cũng khá ngắn, chỉ tầm 10%

CẤP ĐỘ 5: HẾT GIẬN. Não trẻ nhỏ khó có thể mang cơn giận gữ hơn 1 tiếng đồng hồ vì trẻ luôn trong trạng thái học hỏi cảm xúc. Bạn sẽ để ý trẻ sẽ quên và chơi lại món đồ đó hoặc bạn đó bình thường.

QUY LUẬT TANTRUM

Bất cứ tác động nào lên cấp độ 1, 2 và 3 đều dẫn đến sự kéo dài cấp độ 2 ở lần tantrum khác.

Bất cứ tác động nào lên cấp độ 2 (VD dụ dỗ, đánh lừa,mua đồ chơi) để bé quên và chuyển sang cấp độ 5 thì tantrum lần sau sẽ mãnh liệt hơn và bạn phải dụ lớn hơn.

Tác động tốt nhất: Hãy để bé tự trải qua cấp độ 1,2, 3 trong an toàn và điều này sẽ làm bé trưởng thành hơn trong cảm xúc, hãy tác động vào cấp độ 4 để bé tự nhiên trải qua cấp độ 5 là được khuyên.

NHỮNG CÁCH LÀM CHƯA ĐÚNG CỦA CHA MẸ

Sai lầm thứ 1:

Khi trẻ tantrum cấp độ 1 hoặc 2, cha mẹ lo lắng và dụ dỗ bé bằng đồ chơi để bé quên cơn giận dữ. Biểu hiện bất thường ở đây là bé chuyển gấp gáp cảm xúc qua cấp 3 đến cấp 5, mà không qua cấp 4. Trẻ không bao giờ biết cảm xúc được yêu thương, mà trẻ sẽ hiểu cứ tantrum hét lớn (cấp độ 1) hoặc khóc ăn vạ (cấp độ 2) thì sẽ được ba mẹ chiều ý. Do đó, lần tantrum khác bé sẽ vẫn luôn nằm ở cấp độ 1 hoặc 2.

Sai lầm thứ 2:

Khi trẻ vừa tantrum cấp độ 1 hoặc 2, bạn hét/la lớn/đánh bé, như kiểu “im ngay/nín ngay”. Điều này sẽ làm cấp độ 2 kéo dài, không thể dứt và nếu kết thúc bằng đòn roi thì bé sẽ chỉ mãi dừng ở cấp độ này cho mỗi lần sau.

ĐIỀU GÌ BẠN CẦN LÀM KHI XẢY RA TANTRUM VÀ LÀM SAO BÉ NGOAN HƠN?

Tantrum là 1 giai đoạn hầu như các bé đều có thể trải qua, gồm 5 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1,2,3 là những cấp độ mà chúng tôi gọi là “tránh tác động” vì đây là một trạng thái mà bé trải qua, suy nghĩ và tự điều chỉnh cảm xúc của bé. Mọi tác động vào giai đoạn này đều làm bé giữ cấp độ đó quá lâu. Cấp độ thứ 4 là thời điểm tốt nhất để bạn cho lời khuyên, răng dạy và yêu thương.

NHỮNG BƯỚC BẠN ĐƯỢC KHUYÊN:

1.       Hãy cắt ngay nguồn năng lượng gây ra tantrum, đừng lo lắng khi tantrum quá đà ở cấp độ 1,2 và 3. Bạn chỉ đơn thuần im lặng, và cất những món đồ/giải quyết tình huống gây ra sự tantrum bé.

2.       Bạn phải đủ cứng rắn và kiên nghị trong suốt thời gian tantrum diễn ra ở cấp độ 1,2 và 3

3.       Bạn không được khuyên là dùng đồ chơi hay dụ dỗ bé vì làm vậy bé sẽ không học được cách chấp nhận và thay đổi trong cảm xúc.

4.       Khi bé ở cấp độ 4, bạn có thể nói chuyện và đừng ngại cho bé cái ôm và tha thứ

Bottom line:

Trẻ con có tantrum là bình thường, vì trẻ sẽ cần trải qua nó như cách tôi luyện. Nhưng, cách cha mẹ ứng xử và xử lý tantrum cần đúng thời điểm, kiên nhẫn và đủ nghiêm nghị. Tantrum sẽ qua đi nhưng sẽ mang những bài học lớn về cách sống và điều chỉnh hành vi tốt hơn cho bé.

Notes

Green, J. A., Whitney, P. G., & Potegal, M. (2011). Screaming, Yelling, Whining and Crying: Categorical and intensity differences in Vocal Expressions of Anger and Sadness in Children’s Tantrums. Emotion (Washington, D.C.), 11(5), 1124–1133

Nguồn : child nutrition foundation




27 thg 10, 2017

Quy trình thiết kế phần mềm/ ứng dụng



Mình là một UI designer, tốt nghiệp ngành phần mềm ở đại học FPT — nơi mà các môn học chuyên ngành liên quan đến ngành Software Engineering được dạy khá kĩ, cộng thêm với thời gian đi làm cũng được vài năm, trên cơ sở đó cũng đúc rút được một vài kinh nghiệm về quy trình để chia sẻ với mọi người. Quy trình này thiên về mảng UX và UI chứ không tập trung kĩ vào phần lập trình ứng dụng, nên sẽ không bao gồm một số bước quan trọng khi làm phần mềm như: thiết kế kiến trúc, data model, các diagram…
1. Nhận brief
2. Cùng team break down brief, chỗ nào chưa kĩ thì hỏi lại client cho rõ, list rõ scope of work (SOW)
3. Tiến hành nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, tập user và hành vi của họ (Có thể dựng story board nếu cần)
3.1. Xây dựng use-case diagram.
4. Lên flow chính, sitemap, wireframe sơ bộ
5. Đánh giá và chải chuốt cho wireframe, làm prototype thử xem flow mượt chưa. 
5.1. lặp lại bước 5 tới khi thống nhất với team và khách hàng
6. Làm UI, lên guideline, vẽ icons….
6.1. Review — sửa, review — sửa, review — sửa
7. Thống nhất UI, chuyển cho dev làm (đoạn này sẽ còn một số tinh chỉnh do giới hạn công nghệ hoặc giới hạn của dev)
8. Ra SP, bước vào các phase test + ghi nhận insight để đánh giá hiệu quả của phần mềm.
9. Quay trở lại từ bước 4…

Nguồn : Marcus Hoang


Giải ngốvề UX/UI Design


Gần đây có nhiều post tuyển dụng UX/UI design lạc đề mà mình dám chắc 90% người post lên không hiểu nội dung viết cái gì. Nhưng mà tuyển dụng nên mình kệ vì mấy bạn HR chẳng làm chuyên môn và việc spam các kênh là nghề của các bạn. Rồi cho đến khi mọc lên một vài trung tâm dạy UX/UI design với syllabus đào tạo lệch lạc thì mình thấy vấn đề nghiêm trọng hơn. Quảng cáo lúc nào cũng hay ho, dùng nhiều buzzwords là người học ảo tưởng về cái họ nhận được rồi lại đem những thứ đó để chinh chiến thì nhiều thứ tai hại vô cùng. Thế nên mình quyết định viết cái post giải ngố này để mọi người có cái nhìn đầy đủ hơn và đánh giá lại mình đang ở đâu và cần bổ sung cái gì.
Tại sao lại chọn UX/UI Designer
Theo một thống kê không đầy đủ do mình thực hiện về mức lương hiện tại của designer (xem ở đây) thì mặt bằng lương của UX/UI Designer nói chung cao hơn khoảng 30% so với Graphics Designer. Thậm chí những mức lương tương đương các nước có GDP gấp vài chục lần Việt Nam  cũng có luôn.
Sự phát triển của phần mềm và internet giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn phần mềm hơn. Sự cạnh tranh tạo ra sự phát triển. Vì vậy các phần mềm ngày càng phải hấp dẫn và thân thiện hơn mới thu hút được sự chú ý của người dùng và khiến người dùng móc hầu bao chi tiền. Vì là một ngành đang lên nên sự đầu tư và nhu cầu nhân sự cũng lớn hơn so với các mảng khác của thiết kế như thiết kế nội thất (interior design), thiết kế sản phẩm công nghiệp (industrial product design), thiết kế thời trang (fashion design), thiết kế đồ họa (graphics design)... Nguyên nhân mình nghĩ do việc đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Vì cơ hội lớn nên có không ít bạn làm graphics design cũn muốn chuyển qua làm UX/UI Designer và bắt đầu tập tành thiết kế web, thiết kế app...
Ngoài ra công việc UX/UI Design đòi hỏi sự sáng tạo vừa phải chứ không đau đầu như graphics design. Mình rất khâm phục mấy bạn làm graphics design vì sức sáng tạo vô biên. Chưa kể chuyện còn dễ bị trùng lặp ý tưởng và triển khai ý tưởng nữa.
Tóm lại, nếu chọn UX/UI Designer thì lý do lớn nhất mình nghĩ là nó đang vào xu hướng nên có thu nhập tốt cho những người theo đuổi.
UX/UI Designer là làm cái gì?
Chỗ này mình sẽ giải thích lại một chút để các bạn hiểu hơn. Ở các nước phát triển thì việc phân công lao động chuyên môn hóa cao vì vậy sẽ hiếm thấy vị trí UX/UI Designer. Thay vào đó bạn có thể thấy một vài vị trí như UX Designer, UX Researcher, UI Designer, Interaction Designer, Product Designer... (tất nhiên các bạn có thể add thêm Junior, Senior, Principal và vị trí cao hơn hơn Manager, Expert, Lead, Director v.v.). Có thể, mình nghĩ là có thể thôi vì mình không có cơ sở chính xác để nói nhiều, ở Việt Nam không có điều kiện làm chuyên sâu nên mọi người phải kiêm nhiệm nhiều việc nên title cũng có chút tùy biến để phù hợp. Quan trọng là mô tả công việc chúng ta cần làm gì.
UI Designer
Công việc chính: Thiết kế giao diện đồ họa cho phần mềm, website, mobile app. Công việc sẽ mở rộng ra khi có nhiều nền tảng hơn như VR, Smartwatch (đại loại là digital product). Đi sâu vào thì làm việc chủ yếu với form, bảng biểu, typo, bảng màu, các khối thông tin, icon
Công cụ sử dụng chính: Các công cụ thiết kế đồ họa như là Photoshop, Sketch, Figma, Adobe XD, Illustrator...
Kết quả đầu ra: file thiết kế đồ họa có đuôi file là psd, sketch, fig, ai v.v.
Tư duy chính: Thiết kế phù hợp với human guideline và thiết kế có tính cấu trúc, tính thẩm mỹ
Kĩ năng chính: Sử dụng thành thạo công cụ thiết kế đồ họa
UX Designer
Công việc chính: Thiết kế trải nghiệm người dùng cho phần mềm website, mobile app. Công việc mở rộng ra khi có nhiều nền tảng hơn như VR, Smartwatch (đại loại là digital product). Đi sâu vào thì làm việc chủ yếu với nghiên cứu nhu cầu người dùng, phác thảo giải pháp, kiểm thử giải pháp. Có một số công việc có phạm vi hẹp hơn và xoay quanh tính dễ hiểu và dễ dùng của sản phẩm, không cần quá đi sâu vào các công việc trên
Công cụ sử dụng chính: công cụ vẽ phác thảo và dựng mô phỏng phác thảo. Ngoài ra thì dùng rất nhiều giấy bút và file document.
Kết quả đầu ra: một giải pháp triển khai được nhằm giải quyết một bài toán cụ thể nào đó. Có thể là wireframe đơn giản hoặc prototype hoặc một folder rất nhiều tài liệu. Nói chung tùy vào bài toán mà độ phức tạp giải pháp cần triển khai khác nhau.
Tư duy chính: thiết kế lấy người dùng làm trọng tâm
Kĩ năng chính: giải quyết vấn đề sáng tạo
UX/UI Designer có lẽ là kết hợp cả hai công việc trên nên phạm vi làm việc rất rộng. Tuy nhiên đa số mô tả công việc mà mình đọc được thì có thiên hướng về UI Designer nhiều hơn là một công việc kết hợp. Vì vậy từ đây trở xuống dưới mình sẽ gọi là UI Designer thay vì UX/UI Designer để các bạn nắm rõ hơn bản chất công việc.
Ngoài ra công việc cũng chia làm 3 môi trường: agency quảng cáo, agency thiết kế/xây dựng sản phẩm và công ty sản phẩm (in-house team).
Agency quảng cáo
Hoạt động theo campaign nên sản phẩm thường không lâu dài, mang tính ngắn hạn
Việc triển khai UX/UI phụ thuộc nhiều vào chiến lược branding và marketing. Người dùng được đặt ở vị trí thứ yếu
Agency thiết kế/xây dựng sản phẩm
Sản phẩm thiết kế ra thường có tính sử dụng lâu dài nên có thể áp dụng đầy đủ quy trình để tránh một số lỗi có thể tránh. Không gắn bó với một sản phẩm lâu nên hiểu biết chuyên sâu sẽ có những hạn chế nhất định.
Người quyết định là client nên việc triển khai UX/UI có thể bị ảnh hưởng nếu client quyết định. Người dùng được đặt ở vị trí thứ yếu.
Công ty sản phẩm
Sản phẩm thiết kế ra dành cho chính khách hàng công ty và vì quyền lợi công ty. Thường gắn bó lâu với sản phẩm nên hiểu sâu về sản phẩm và tập người dùng
Người quyết định là chủ doanh nghiệp nên việc triển khai UX/UI phụ thuộc vào tư duy của chủ doanh nghiệp. Nếu chủ doanh nghiệp không quá chú trọng thì người dùng được đặt ở vị trí thứ hai. Nếu chủ doanh nghiệp chú trọng (đa số) thì người dùng được đặt ở vị trí thứ nhất.

Học hành thành UI Designer
Ở bên trên bạn đã biết UI Designer làm cái gì rồi và cần cái gì rồi. Học thì đi đôi với hành, học bao gồm cả tư duy lẫn kĩ năng sử dụng phần mềm. Dưới đây mình sẽ “bày” một số gợi ý để bạn nhanh chóng lĩnh hội được. Tuy nhiên để hiệu quả, mình khuyên các bạn nên kiếm một người cho bạn những lời khuyên và sửa lỗi sai cho bạn đúng nghĩa (mentorship). Việc này sẽ giúp bạn đi nhanh hơn rất nhiều

TỪ CON SỐ 0
Giả sử bạn đang là tờ giấy trắng tinh, không biết gì hết. Có hai con đường cho bạn:
Học lấy một cái nghề nuôi sống được bản thân rồi tính tiếp
Học từ những thứ cơ bản
Học lấy cái nghề nuôi sống bản thân thì bạn sẽ học công cụ đầu tiên. Bạn cần sử dụng thành thạo một công cụ tới mức quen tay và đáp ứng một công việc cụ thể. Thành thạo tới mức đưa một file ảnh ra thì bạn có thể dùng công cụ để tái hiện lại file thiết kế. Bạn xem nhiều Dribbble, Behance rồi bắt chước lại. Thỉnh thoảng bạn cũng đưa ra một vài điều chỉnh nhỏ mà bạn thấy hợp lý. Tiếp đó thì bạn xin vào các công ty outsource phần mềm hoặc các công ty làm theme với công việc làm UI Designer (có lẽ đa phần các bạn tự học sẽ thấy mình đâu đó trong này).
Nếu đã tới đây mà bạn thấy bế tắc trong hướng phát triển tiếp thì nên cân nhắc học lại một số thứ cơ bản.

Học từ những thứ cơ bản thì các bạn nên học quan sát. Quan sát mọi thứ xung quanh, tự đặt câu hỏi tại sao nó lại như vậy, tại sao nó không như thế kia. Kế đó là học vẽ. Vẽ tay hay vẽ máy cũng được. Hãy coi đấy là công cụ để bạn diễn đạt thế giới quan của bạn. Khi học vẽ bạn sẽ học qua một chút giải phẫu người, một chút phác thảo v.v. những cái này giúp bạn tạo một thói quen là vẽ dựa trên một số cơ sở nhất định.
Kế đó bạn mới bắt đầu học thêm các công cụ thiết kế để diễn tả suy nghĩ của mình. Bạn có nhiều ý tưởng tuyệt vời trong đầu và thành thạo công cụ sẽ giúp truyền tải hết ra bên ngoài.
Lúc này bạn đã có thói quen quan sát, vẽ có cơ sở, biết công cụ. Tùy hướng phát triển mà bạn có thể học thêm như cách viết sao cho hay; học thêm thiết kế cho các nền tảng khác nhau (web, mobile v.v.); học thêm các kiến thức về usability để thiết kế tối ưu sử dụng của con người hơn.
Tiếp đó thì phải hành thật nhiều. Trong quá trình làm mình gặp nhiều bạn quăng một link project lên facebook với caption “các bác nhận xét giúp em”. Mình thấy các bạn chưa thật sự nghiêm túc muốn học từ lỗi sai. Hãy mạnh dạn liên hệ những người có kinh nghiệm và trình bày đầy đủ về cái bạn đang làm. Nếu rảnh rỗi và muốn giúp bạn, họ sẽ đưa ra những lời nhận xét xác đáng đúng trọng tâm hơn là những comment trong tình trạng thiếu thông tin và người comment không có động lực rõ ràng. Mentor cũng phát huy tác dụng lúc này như mình nói ở ban đầu.
Kế đó thì bạn có thể học sâu hơn về phần production giải pháp (lập trình kiểm thử) để tìm hiểu các khó khăn trong việc cộng tác với các producer (thường là developer hoặc người làm content) để làm việc hiệu quả hơn hoặc học sâu hơn về một mảng nhỏ. Lúc này bạn cũng phải bắt tay tự nghiên cứu kha khá nhiều và bắt đầu có suy nghĩ về thiết kế hướng mục tiêu cụ thể thay vì thiết kế chỉ cho đẹp, phục vụ tính thẩm mỹ.

TỪ GRAPHICS DESIGNER
Là graphics designer thì bạn vốn đã quen công cụ thiết kế, vốn đã bay bổng rồi. Nếu bạn chọn con đường nhanh chóng thì chỉ cần làm vài dự án/bài tập hoặc tham gia vài lớp học công cụ/quy trình ngắn hạn là các bạn có thể chuyển đổi sang UI designer. Tuy nhiên cũng như ở phía trên, bạn sẽ sớm bị mắc kẹt vì bạn bị thiếu mất cái gốc cơ bản. Hãy cố gắng dành chút thời gian học từ những thứ cơ bản sẽ tốt hơn

RỦI RO
Ngoài những cái đã đề cập ở trên thì cá nhân mình thấy rào cản lớn nhất là khiếu thẩm mỹ chưa tốt. Cái này muốn nâng cao thì bạn buộc phải học lại từ cơ bản, hiểu những vấn đề cốt lõi nhất và luyện tập thường xuyên. Lúc này mentor sẽ phát huy tác dụng rất nhiều. Họ sẽ cho bạn vài lời khuyên hoặc giúp bạn hiểu được những thứ cơ bản nhất để bạn không bị rối trong ma trận kiến thức.
Học hành thành UX Designer
Nếu các bạn đã đọc mô tả ở phần trên thì các bạn sẽ thấy UX Designer lại không cần tới khả năng đồ họa. Như vậy đi theo con đường này thì bạn không nhất thiết phải có khả năng nhưng công việc liên quan tới giải quyết vấn đề sáng tạo (creative problem solving) nên một chút sáng tạo sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội phát triển hơn. Tương tự ở trên, mình cũng khuyên các bạn cần có một người mentor để cho bạn biết bạn đang ở đâu và cần làm gì tiếp theo.
Tương tự như phần UI Designer, tôi sẽ chỉ ra cho các bạn cách học từ con số 0 và chuyển đổi từ một số công việc phổ biến khác có tính chất gần giống.

TỪ CON SỐ 0
Giả định bạn là tờ giấy trắng, chưa biết gì thì mình khuyên các bạn học cơ bản trước. Viết vẽ wireframe, thậm chí bạn làm được thiết kế đồ họa không giúp bạn trở thành UX Designer giỏi đâu. Đôi khi nó còn làm hại bạn vì bạn nghĩ vậy là đủ rồi và dừng lại việc học của mình.
Học từ cơ bản bạn cũng phải học quan sát, để ý tới mọi thứ xung quanh. Có một bạn là Hieu Toop có comment trên facebook mình như sau: Tony Le Đối với em, UX ở mọi nơi trong cuộc sống, khi mà cái gì làm cho con người ko happy, khó dùng, khó cầm, khó nắm, blabla :)) là UX lởm hết. Hiện tại e nghĩ UX đơn giản lắm, còn để chuyên nghiệp thì phải theo anh xem thế nào mới nói tiếp được. Em hay lao động nhiều thứ ngoài đời nên rất chịu khó quan sát, như sửa điện, thợ hồ, bốc vác :))) trải nghiệm rất nhiều và thấy UX cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Nó mà làm tốt thì cuộc sống này cực kỳ dễ thở, ahehe

Bạn là người thiết kế trải nghiệm người dùng thì trước tiên bạn phải đứng ở vai trò người dùng đã. Có chú ý quan sát mọi thứ xung quanh thì bạn mới nhạy cảm về các “vấn đề” cần giải quyết được. Kế đó, bạn tìm cách giải quyết các vấn đề. Bạn trải nghiệm nhiều (nhiều kinh nghiệm, đi đây đi đó, tích lũy vốn sống) sẽ giúp bạn dễ dàng giải quyết vấn đề hơn. Nói chung thứ hai là bạn tích lũy thật nhiều trải nghiệm cho mình.
Kế tiếp bạn mới bắt đầu học các công cụ để giúp phác thảo giải pháp của mình. Bạn nên học vẽ phác thảo đơn giản. Không cần phải cầu kì ngồi vẽ một cô gái khỏa thân đâu, bạn chỉ cần học đủ để thể hiện hết mình gì mình muốn truyền tải thôi. Công cụ quen thuộc nhất với bạn có lẽ là bút chì, giấy, cục gôm (cục tẩy). Mình hay dùng bảng trắng và bút dạ vì xóa nhanh hơn và diện tích thể hiện đủ lớn cho cả những người khác nhìn thấy. Các công cụ wireframe, prototype giúp bạn thể hiện cách giải quyết vấn đề như vậy

Cuối cùng là bạn học các phương pháp để kiểm nghiệm cách giải quyết vấn đề của mình. Với UX Design thì người kiểm nghiệm giải pháp luôn là người dùng vì thế bạn sẽ học cách test với user để xem giải pháp của mình phù hợp hay chưa.

Phạm vi giải quyết của UX Design rất đa dạng nên bạn từ từ chọn tiếp những lĩnh vực gần nhất với công việc chuyên môn mà mình mong muốn. Bạn có thể học sâu về môi trường thể hiện (desktop, mobile, VR...) vì mỗi môi trường có một đặc điểm khác nhau; hoặc học sâu hơn về một số lĩnh vực ảnh hưởng tới con người nói chung (ergonomics, tâm lý học, cognitive science, tương tác người - máy...); hoặc các lĩnh vực cụ thể (tài chính, y tế, thương mại, dịch vụ v.v.). Những kiến thức này giúp cho giải pháp của bạn ổn định hơn và tránh được những lỗi có thể tránh được (avoidable mistakes).
Vì UX Designer không làm riêng mà phải cộng tác với nhiều người nên bạn nên học thêm về phần production giải pháp (lập trình, sản xuất nội dung) và vận hành giải pháp để giúp cho giải pháp của bạn không chỉ phục vụ tốt người dùng mà còn có tính khả thi và đáp ứng mục tiêu kinh doanh nữa.
Tất nhiên là nếu bạn có khả năng đồ họa thì có thể học thêm UI với lộ trình cơ bản như mình nói ở phần trên. Lúc này đúng nghĩa bạn là UX/UI Designer và bạn hoàn toàn kiểm soát được “how it look của sản phẩm”

TỪ UI DESIGNER
Nếu bạn đã là UI Designer thì khả năng đồ họa của bạn cũng có ít nhiều. Nếu bạn thực sự thấy mình không có khả năng phát triển ở mảng UI Design thì việc chuyển sang UX Design là một lựa chọn. Tuy nhiên có thể bạn sẽ thấy ở trên cái bạn tận dụng lại được chỉ là khả năng diễn tả ý tưởng thông qua công cụ thiết kế và một số hiểu biết về môi trường thể hiện (web, mobile v.v.) chứ không có một tư duy đầy đủ về việc tạo ra trải nghiệm. Vì vậy gần như bạn phải bắt đầu lại từ con số 0
Nếu bạn tương đối có khả năng đồ họa và làm UI design tốt rồi (đã nắm vững về usability cho các môi trường thể hiện) và bạn muốn học thêm để phát triển lên UX/UI Designer thì tùy lựa chọn công việc mà bạn ưu tiên học cái gì trước.
Nếu bạn tính làm ở các Agency quảng cáo thì bạn có thể học chuyên sâu về một mảng liên quan tới con người (ví dụ tâm lý học). Kiến thức sẽ giúp bạn thành công hơn ở agency quảng cáo. Tuy nhiên khi bạn tính làm ở các loại hình công ty khác thì sẽ phải cân nhắc lại.
Nếu bạn tính làm ở các agency/công ty thiết kế và xây dựng sản phẩm hoặc các công ty sản phẩm thì bạn phải học lại từ cơ bản. Các agency/công ty thiết kế và xây dựng sản phẩm sẽ giúp bạn học rộng hơn (biết nhiều mảng, hiểu biết cơ bản) còn các công ty sản phẩm giúp bạn học sâu hơn (hiểu một mảng, hiểu biết chuyên sâu). Trong các công ty sản phẩm thì bạn được tiếp xúc với số liệu thực tế và các phương pháp định lượng nhiều hơn. 

TỪ DEVELOPER
Có lẽ developer là người có nhiều lợi thế nhất khi chuyển qua nhưng lại khó thành công nhất. Nguyên nhân một phần vì đãi ngộ của designer nói chung hiện tại thấp hơn developer nên không nhiều developer muốn chuyển qua làm designer. Thường là những bạn không thấy mình phù hợp với công việc lập trình hoặc những người thích có sự tự do và chủ động hơn mới chuyển qua (chấp nhận việc đãi ngộ thấp hơn).
Developer có lợi thế lớn về tư duy giải quyết vấn đề, đặc biệt là tư duy logic. Khả năng tìm tòi tự khám phá của developer cũng cực kì tốt (thích vọc vạch, tìm kiếm thông tin, thử sai v.v.). Tuy nhiên nói chung các bạn developer không đủ linh hoạt và mềm dẻo để “nhận thấy vấn đề”. Nôm na là kém nhạy cảm hơn các bạn designer. Tất nhiên là nói ra để các bạn tìm cách khắc phục. Có một câu anh Điệp - CEO Vật Giá dạy cả công ty mà mình luôn tâm niệm “đặt mình vào địa vị khách hàng và đối xử trên mong đợi của họ”. Có thể với các bạn thì chỉ nghe cho vui thôi, nhưng với những bạn developer muốn chuyển qua UX Designer thì phải luôn tâm niệm cái này thì việc chuyển đổi với hoàn thiện được.
Các bạn vẫn phải học theo từ cơ bản như mình đã đề cập ở trên, tuy nhiên mình nghĩ vì tố chất khó nhất (giải quyết vấn đề) các bạn đã có nên việc học sẽ nhanh thôi.
Con đường sự nghiệp và lộ trình thăng tiến
Phần này mình không biết có nên viết tiếp hay không. Các bạn thấy cần thiết thì comment bên dưới giúp mình để mình sắp xếp thời gian viết thêm.
P/S: Chủ Nhật 21:30 mình có livestream trên này nên bạn nào có câu hỏi/thắc mắc thì có thể mình sẽ trả lời hôm đó luôn. Chúc các bạn thành công.

Nguồn :vietnam ui/ux designer

25 thg 10, 2017

VÌ SAO NHÀ TRẺ KHÔNG PHẢI LÀ MẪU HÌNH HỖ TRỢ NUÔI TRẺ TỐT?

Tại hội thảo sáng hôm qua, mình có nhắc tới tác hại của việc gửi trẻ đi nhà trẻ sớm trước 2 tuổi, vì đây là giai đoạn trẻ chưa xác định mình là một cá thể độc lập. Do đó chưa cần nói nhà trẻ đó tốt hay xấu, chỉ bản thân việc bé bị tách khỏi mẹ trước 2 tuổi cũng đủ sinh hocmon stress cortisol ảnh hưởng đến sự phát triển tối ưu của trẻ.

Nên nếu có thể dủ đk kinh tế, k nhất thiết mẹ phải "đi làm việc" mới đủ 3 bữa cơm, thì hãy chọn "đi làm mẹ" thay vì "đi làm việc". "Đi làm việc" còn có nhiều lúc trong đời để làm, còn những năm đầu đời của con, k ai thay thế mẹ/ bố đc đâu, cũng k thể bù đắp những tổn thương của gđ phát triển đầu đời quan trọng này được đâu.

Đây là trích đoạn nói về "Gửi trẻ" từ sách Làm Bố Mẹ vì Một thê giới hoà bình.

Sách rất hay, tác giả là một ông bố thuận tự nhiên ở Úc, tiếc là chưa có thì giờ để dịch. Bố mẹ nào đọc đc tiếng Anh thì đọc trước và dịch giúp!

--- Có mẹ sữa đã dịch giúp ----

Chăm sóc trẻ - Phụ lục

Vì sao nhà trẻ lại thường không tốt bằng sự hỗ trợ chăm sóc của cả cha và mẹ? Khi chúng ta nhìn những điều dưới đây, những xác nhận hiển nhiên dựa trên học thuyết gắn bó sẽ dự đoán được phần nào. Nhà trẻ trở thành một vấn đề khi nó không tạo ra những cơ hội cho trẻ phát triển sự quyến luyến (gắn bó) có chọn lọc với những người lớn giàu tình yêu thương và đáng tin cậy.

Khi họ khảo sát các dữ liệu nghiên cứu, các chuyên gia về sự phát triển của trẻ cũng không có quá nhiều điều hay để nói về xu hướng hiện đại của chúng ta khi nhà trẻ hóa. 1 bản tổng hợp về 88 nghiên cứu được thực hiện nhiều nơi trên thế giới cho thấy, trong hơn 20.000 trẻ được gửi nhà trẻ từ khi còn ẵm ngửa (dưới 1 tuổi), khoảng 66% trẻ có nguy cơ gia tăng chứng gắn bó không an toàn (bấp bênh). Nhà tâm lý học người Úc Peter Cook kết luận rằng xu hướng nhà trẻ đang bỏ qua việc nhìn nhận các dấu hiệu rủi ro và nó đi ngược lại với rất nhiều ý kiến của các chuyên gia về điều gì là tốt nhất cho trẻ.

Vài nhà nghiên cứu đã cố gắng định lượng cấp độ (trình độ) nhà trẻ có thể gây ra nhân tố nguy hiểm. Nghiên cứu cho rằng, hơn 20h/ 1 tuần ở nhà trẻ có thể dẫn tới cảm giác thiếu an toàn với những bé nhỏ hơn 1 tuổi. Một nghiên cứu khác lại nhận thấy, các bé ở nhà trẻ lâu ngày sẽ có mức độ căng thẳng (hormone cortisol) cao hơn, đáng báo động. Điều này đã được phát hiện tại những bé được gửi nhà trẻ lâu ngày ngay cả khi trông bề ngoài, các bé không hề có bất cứ một dấu hiệu âu lo nào, khiến bố mẹ và những người chăm sóc có thể sẽ không ý thức được những buồn phiền mà trẻ đang phải chịu đựng.

Dường như, bé nào ở nhà trẻ càng nhiều, thì lại càng có khuynh hướng trở thành những em bé hung hăng (dễ gây sự). Những phát hiện được trích dẫn từ Jay Blesky – nguyên giáo sư khoa phát triển nhân học tại đại học Penn State khẳng định rằng, “sự quan tâm thiếu thốn của cha mẹ trong năm đầu tiên là một yếu tố nguy hiểm đối với các sự phát triển, ví dụ như cảm giác thiếu an toàn cho người mẹ, sự không bằng lòng, sự hung hăng, và có thể là thái độ xấu đi”.

Sự lạm dụng nhà trẻ là một xu hướng hiện đại mà tôi tin là hầu hết các bố mẹ đều muốn tránh. Một sự thật bi thương của cuộc sống hiện đại là số lượng ngày một tăng cao những phụ huynh sinh sống tại các quốc gia giàu có cảm thấy bản thân họ không có lựa chọn nào khác là phải tự tách rời con nhỏ để kiếm đủ tiền chi tiêu. Giá nhà cửa và các vật dụng cơ bản khác ngày một cao hơn, ngoại trừ việc chạm tới mức độ tăng trưởng của xã hội bởi một nền kinh tế thị trường bị giới hạn. Nếu làn sóng xa cách với trẻ nhỏ của các gia đình này không dừng lại và vết thương sớm quay trở lại thì kết quả của xã hội sẽ có thể rất thê thảm. Sự tách biệt trong gia đình có thể sẽ là mối đe dọa lớn nhất với lợi ích của sự tiến triển xã hội mà chúng ta đã kiến tạo trong 5 thập kỉ qua.

1 nghiên cứu cho hay các bé đi nhà trẻ có mức độ cortisol bình thường chỉ khi có các điều kiện tiên quyết sau: những người chăm sóc trẻ phải thực sự có tinh thần trách nhiệm cao với nhu cầu và cảm xúc của trẻ. Tôi dám chắc rằng, với sự thiếu vắng gia đình trong một thời gian dài hoặc thiếu hỗ trợ của một trong hai bố mẹ, việc trông cậy vào các nhà trẻ chuyên nghiệp có thể sẽ an toàn nếu có các điều kiện sau:

1. Trẻ cần cần được đào tạo trong sự gắn kết thật nhẫn nại và ấm áp của các cô trong nhà trẻ.
2. Người chăm sóc phải thật sự đồng cảm, ấm áp, có trách nhiệm và giàu lòng yêu thương. Họ cũng cần phải bền lòng. Những cán bộ nhân viên cũ cần thúc đẩy bé đối mặt với sự thiếu đi sự gắn kết quan trọng và sau đó phải đi qua quá trình kết nối với các nhân viên mới.
3. Nhà trẻ cần phải tạo ra cảm giác như một gia đình lớn.
4. Một đứa trẻ nên được giữ trong nhà trẻ càng ít thời gian càng tốt. Điều quan trọng là phải tôn trọng giới hạn của trẻ và hiểu rằng sẽ luôn có sự biến đổi đáng kể về tuổi tác khi mỗi một đứa trẻ sẵn sàng cho việc xa cách. Khi một đứa trẻ có thể nói tạm biệt với mẹ mà không khóc, và khi bé có thể vui vẻ hoàn toàn với các bạn khác, đó là lúc bé đã sẵn sàng. Sự lo lắng khi phải chia ly là một dấu hiệu cho thấy bé chưa sẵn sàng cho việc xa gia đình. Trẻ em nên là một nhà chuyên gia mà chúng ta phải thăm dò lâu dài để có được sự chăm sóc thích hợp nhất.
5. Sự tách biệt cần phải là một sự chuyển tiếp từ từ, dần dần, từng bước một để trẻ có thể thích nghi và phù hợp với tốc độ của trẻ. Nhiều nhà trẻ không cho phép các bố mẹ ở lại với trẻ cho đến khi bé cảm giác ở đó như nhà. Chính sách này là không có cơ sở và nó như một cú chấn thương lớn đối với trẻ. 
6. Các bố mẹ nên ở lại cho đến khi trẻ đã thiết lập được một mối liên kết về sự tin tưởng với các bạn khác ở trung tâm. Nhiều trường học “mở” ở Thụy Điển và rất nhiều nhà trẻ dân chủ trên thế giới còn mời các vị phụ huynh tham dự lớp học cùng với các con mình. Bố mẹ sẽ tạo nên một đóng góp vô giá cho nhóm và các bạn nhỏ có thể phát triển mạnh (lớn nhanh, mau lớn) khi mà các con cảm thấy an toàn, được nuôi nấng và thân thuộc như nhà mình tại trường học .
7. Việc cho con đi nhà trẻ cần được hoãn lại ít nhất cho đến khi trẻ đã cai sữa được phần nào. Điều này đảm bảo cho việc nuôi con bằng sữa mẹ không bị gián đoạn. 
8. Tỉ lệ chăm sóc trẻ trong giai đoạn ẵm ngửa nên thật nhỏ đủ để trẻ nhận được sự quan tâm đầy đủ, tận tình và định hình cá tính cùng với kết nối với ba mẹ.
9. Trẻ cần có cảm giác gắn bó vững chắc với ba mẹ trước khi mạo hiểm liên kết với bên ngoài. Nhà trẻ có thể sẽ trở nên khó khăn với những bé cảm thấy không an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
10. Phụ huynh cũng nên trì hoãn việc gửi con đến nhà trẻ ít nhất là cho đến khi trẻ có thể làm chủ được ngôn ngữ của mình đủ để nói với bố mẹ chúng về những gì trẻ cảm nhận được về con người ở đó hoặc về chính nơi đó.

Kết luận:
Chỉ khi trẻ thực sự cảm thấy gắn kết với bố mẹ, cùng với kinh nghiệm nuôi dưỡng tốt thì khi đó não bộ của trẻ mới được trao cho điều kiện tốt nhất để phát triển. Đó là lúc các gia đình được kết hợp với đơn vị hỗ trợ và phải đảm bảo rằng trái tim của họ cần rộng mở và trao đi một tình yêu lớn nhất cho trẻ. Loại hỗ trợ này sẽ thúc đẩy phúc lợi cảm xúc của một gia đình mà không tạo ra gánh nặng cho bố mẹ hay áp lực cho trẻ khi phải có một sự phân ly từ sớm và dài lâu trong suốt thời thơ ấu của trẻ. Một vài sang kiến cho việc chăm sóc từ cộng đồng và trợ giúp gia đình sẽ được thảo luận ở chương sau. Chúng tôi cũng sẽ nói về cách thức để tiếp cận theo cách hiện đại nhất và cách mạng hóa giáo dục đối với trẻ để tạo nên sự phát triển xa hơn về mặt cảm xúc cho trẻ.


Nguồn : Phương Hồng Nhất Lê

19 thg 10, 2017

Giá trị thật sự của đồng tiền: Hãy ngưng sử dụng nó như thước đo thành công

Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm, nó đôi khi được đem ra để đánh giá người khác cũng như là niềm tự hào của nhiều người chính vì thế chẳng mấy ai thoải mái khi nhắc đến chuyện tiền bạc.

Giá trị thật sự của đồng tiền: Hãy ngưng sử dụng nó như thước đo thành công

Trong một xã hội sùng bái vật chất và danh vọng, phải làm thế nào để thoát khỏi vòng xoáy tiền bạc và trở nên thật sự giàu có.

Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm. Bởi vì hầu hết mọi người ở một góc độ nào đó đều tự “ra giá” và định vị bản thân: chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền. Theo nghĩa đen, nó chính là thứ để đem ra đánh giá năng lực và kĩ năng của một người. Vì lẽ ấy, chúng ta đứng ngồi không yên, cảm thấy bất an khi nói về chuyện tiền bạc.

Tuy nhiên tiền bạc chỉ là một trong những thứ được đem ra để đánh giá con người một cách tùy tiện. Bản thân nó không có chút giá trị nào cả.

Có rất nhiều thứ mang lại giá trị trong đời ta. Thời gian là một loại giá trị. Tri thức là một loại giá trị. Hạnh phúc và các cảm xúc tích cực khác cũng thế. Tiền bạc chỉ là thứ phương tiện để truyền tải và chuyển đổi các dạng thức khác nhau của giá trị.

Tiền không phải là nguyên do khiến cho người ta giàu có. Nó là kết quả. Tương tự như thế, khi mọi người khẳng định rằng, tiền gây ra nhiều vấn đề cho họ, thực ra họ đã nhầm. Tiền bạc thường là hệ quả đáng chú ý nhất được tạo ra bởi những rắc rối của họ.

Tiền là một loại dung dịch. Nó chỉ có giá trị khi được đem ra lưu thông. Thế nên nó chính là sự phản chiếu giá trị của người sở hữu.

Mọi người thường nhầm lẫn giàu có với việc sở hữu nhiều thứ hay đạt được danh tiếng, thành quả gì đó. Tôi có thể bỏ tiền trong thẻ tín dụng ra để mua túi Hermes, đi siêu xe của Lamborghini, chụp ảnh tự sướng với Sơn Tùng MTP nhưng điều đó không làm tôi giàu có hơn. Ngược lại, nó khiến tôi trông như một kẻ khốn khổ.

Có một câu nói trong phim Fight Club (Sàn đấu sinh tử) như thế này: “Những thứ mày sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu lại mày.” Chủ nghĩa sùng bái vật chất nhìn chung là một cạm bẫy về tâm lí. Không quan trọng bạn có bao nhiêu, mua bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu, bệnh dịch tham lam sẽ không bao giờ kết thúc. Trong khi đó, bạn vẫn tiếp tục làm việc nhiều hơn, đương đầu với những nguy cơ lớn hơn, cứ thế mãi cho tới hết đời.

Tiền bạc vốn là một thứ vô hại. Nó chỉ như chiếc bình chứa đựng trải nghiệm được trao đổi qua lại giữa hai người. Bạn kiếm tiền bằng cách tạo ra nhiều trải nghiệm cho những người khác. Sau đó, bạn lại trả tiền cho họ để nhận về trải nghiệm.

Ngay cả khi bạn mua các giá trị vật chất như trang sức hay siêu xe, bạn không chỉ mua hàng hóa, mà là cả trải nghiệm khi lái xe hay đeo trang sức đó: sức mạnh, tốc độ, địa vị xã hội. Bạn đang mua đồ trang trí cho danh tính của mình, cảm giác khi sở hữu và sử dụng nó, ngay cả khi nó không làm bạn hạnh phúc.

Có thể nói rằng, hầu hết giá trị của bất kỳ món hàng nào không phải là tiền tệ.

Khi bạn mua đồ ăn, bạn đang đang mua những thứ giúp bạn vượt qua cơn đói. Bạn đang tạm thời mua sức khỏe và hạnh phúc. Khi bạn đi du lịch với gia đình, bạn đang trả tiền để có cơ hội trải nghiệm những thứ mới mẻ và củng cố mối quan hệ với các thành viên. Khi bạn mua một bộ quần áo mới, bạn không chỉ mua vải vóc và nhãn hiệu, bạn đang mua những tín hiệu xã hội thông báo rằng, mình đang đầu tư cho chính bản thân, quan tâm tới bản thân một cách nghiêm túc đủ để làm chỗ dựa cho người khác.

Bởi vì tiền là một thứ trao đổi những trải nghiệm nên kết quả nó sẽ trở thành một vòng tuần hoàn: chúng ta tiếp nhận những trải nghiệm (tiêu cực) để kiếm tiền, rồi dùng tiền để mua lại trải nghiệm (Tích cực). Đến khi hết tiền, chúng ta lại buộc phải quay lại với những trải nghiệm tiêu cực và chu kì lại bắt đầu.

Chu kì Căng thẳng: Vài người kiếm tiền bằng cách đương đầu với stress. Họ làm những công việc áp lực cao hoặc trong một vị trí mà suốt ngày bị chỉ trích hay đe dọa. Sau đó, họ tiêu tiền chủ yếu để giải tỏa căng thẳng để bù lại cho sự khắc nghiệt mà công việc của họ tạo ra. Những người này thường luẩn quẩn trong vòng tròn tạo-ra-stress và giảm-bớt-stress mà không hề tạo ra hạnh phúc thật sự.

Chu kì Bản ngã: Một vài người làm việc trong môi trường khiến họ cảm thấy mình vô dụng, tầm thường, bất lực. Những người này sau đó xua đuổi sự bất an của bản thân bằng cách bỏ tiền ra mua những món đồ thể hiện rằng, mình là người “thượng đẳng”. Họ kiếm tiền thông qua sự bất an và tiêu tiền để chế ngự điều đó.

Chu kì Đau đớn: Những người khác làm đau chính mình để kiếm sống. Có thể là về mặt thể chất (đấu sĩ quyền Anh, người biểu diễn nuốt kiếm) hay về mặt tinh thần (bán dâm, bị sếp và đồng nghiệp quấy rối tình dục hay luồn cúi để được lên chức). Họ dùng tiền để giảm nhẹ các cơn đau, ví dụ như sử dụng rượu, ma túy hay những trò tiêu khiển khác.

Giàu có thật sự chỉ đến khi chúng ta kiếm và tiêu tiền đúng cách — khi chúng được tạo ra bởi những trải nghiệm tích cực và được dùng để mua những trải nghiệm tích cực. Những người rơi vào vòng xoáy trải nghiệm tiêu cực như trên sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc. Họ bắt đầu thấy tiền bạc trở thành mục đích và động lực duy nhất của cuộc đời.

Khi điều này xảy đến, bạn không còn sở hữu tiền, mà chính nó sẽ sở hữu bạn. Và tiền sẽ tiêu xài bạn cho đến khi bạn dừng lại, hoặc chết đi.

Cách để thoát khỏi những vòng luẩn quẩn vô tận chạy theo từng đồng này và tạo ra sự giàu có thật sự là hãy ngưng việc sử dụng tiền bạc như thước đo cho thành công.

Mọi người có rất nhiều định nghĩa khác nhau về giá trị cũng như thành công. Tiền bạc thường được đưa lên đầu tiên nhưng nó thực sự không phải một thứ thành công.

Giá trị thực sự của tiền bạc chỉ xuất hiện khi chúng ta dùng nó như một thứ đòn bẩy để đạt được thành công thay vì coi nó như một sự thành công. Khi chúng ta dùng nó để mua trải nghiệm và giá trị mà ta thấy quan trọng hơn. Khi chúng ta dùng nó để xây dựng một công việc đầy tính sáng tạo, lan tỏa trong cộng đồng, khi chúng giúp chúng ta gắn bó với gia đình hay chia sẻ tình yêu thương với bạn bè.

Giá trị thật sự của tiền bạc bắt đầu khi chúng ta có thể nhìn nhận xa hơn, thấy chúng ta tốt hơn và có giá trị hơn nó. Không phải những vật chất mà chúng ta sở hữu, mà là những trải nghiệm tuyệt vời. Cái quan trọng không phải là cái cốc, mà là cà phê được chứa trong đó.


Nguồn: cafebiz.vn

28 thg 9, 2017

Phải làm gì với con ?


Tôi đã viết vài lần về nội dung này. Lâu lâu lại cảm thấy phải viết lại. Theo một cách khác. 

Hàng ngày có rất nhiều cha mẹ đưa ra những băn khoăn chủ yếu về những hành vi của con nhỏ. Những hành vi phổ biến khiến cha mẹ khó chịu bao gồm: khóc nhè, ăn vạ, nghe bố mẹ nói và ậm ừ (cho thấy đã hiểu) nhưng không làm theo, không chịu chải răng, không chịu ăn, đánh nhau, không chịu ngồi tập trung đọc sách, ghen tị với em, không dọn đồ chơi, đòi hỏi quá đáng,…

Và câu hỏi đặt ra: Tôi phải làm gì để sửa những thói đó ở con? Tôi không dạy nó thì mai mốt nó sẽ biến thành cái gì? Rõ ràng là nó hư, cần phải được dạy bảo.

Bạn cứ thử Google đi, và bạn sẽ tìm được rất nhiều các thông tin mâu thuẫn chỉ cho bạn cách xử lý vấn đề ở trẻ con. Đây là cái mà tôi gọi là “mặt kỹ thuật” trong nuôi dạy con.

Một người hát hay không phải là người nắm được tất cả các kỹ thuật. Một người giỏi chép tranh không thành họa sỹ. Tương tự, một cha mẹ biết dạy con không phải là cha mẹ biết tất cả các cách thức xử lý vấn đề, học ở đâu đó rồi đem về áp dụng với con.

Bạn có thể giỏi kỹ thuật và phải giỏi để sửa được cái quạt. Cái quạt không có cảm xúc. Còn con bạn thì có. Con bạn là một con người, không phải là cái máy để bị sửa, không phải là rô-bốt để nhận lệnh rồi theo răm rắp.

Nếu cha mẹ không hiểu được nguyên nhân của các hành vi, thì dù cho giỏi kỹ thuật, cha mẹ sẽ thất bại hoàn toàn nếu chỉ muốn con theo ý mình và tìm cách thay đổi con.

Nguyên nhân của hành vi ở trẻ nhỏ không phải là sự kém thông minh, không phải là hư đốn, không phải là thích thách thức người lớn và cố ý làm trái ý người lớn để khiến cho người lớn bực dọc. Nhưng phần lớn người lớn có cảm giác như vậy. Họ nghĩ rằng đứa con của họ khó bảo, mà không hiểu ra một điều đơn giản: TẤT CẢ CÁC BIỂU HIỆN ĐÓ ĐỀU LÀ BIỂU HIỆN TỰ NHIÊN THUỘC VỀ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN.

Nếu bạn không hiểu được nguyên nhân của hành vi của trẻ (liên quan đến phát triển thể chất, cảm xúc, nhận thức và tương tác xã hội), thì bạn sẽ không bao giờ “sửa” được con bạn, và bạn sẽ càng ngày càng bực bội cũng như bế tắc.

Tôi xin giải thích ngắn gọn ở đây nguyên nhân của các hành vi “sai” phổ biến ở trẻ:

- Khóc nhè, ăn vạ = chưa có khả năng kiềm chế cảm xúc, thiếu ngôn ngữ để diễn đạt mong muốn và cảm xúc.

- Nghe bố mẹ giải thích nhưng không thể làm theo = khả năng nhận thức chưa đủ để học qua cách nghe bài giảng. 

- Lên 2 bắt đầu thách thức cha mẹ, không nghe lời, không hợp tác như trước = phát hiện ra rằng mình là một cá thể với mong muốn, suy nghĩ và cảm xúc độc lập với cha mẹ. 

- Kén ăn = Trẻ phát hiện ra có những thức ăn mình thích, và có thức ăn mình không thích; trẻ thích tự quyết xem mình ăn gì, không thích khi cha mẹ can thiệp.

- Không chịu chải răng hoặc đánh răng không cẩn thận = kỹ năng khó với trẻ: chưa đủ khả năng vận động tinh, chưa hiểu ý nghĩa của đánh răng, chưa có mức độ tập trung và kiên nhẫn.

- Đánh nhau = thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc và hành vi, chưa có khả năng đồng cảm và hiểu hậu quả của hành vi, đánh để giải tỏa năng lượng, đánh để thử phản ứng của đối tượng.

- Không thể ngồi tập trung đọc sách lâu = phát triển thể chất và nhận thức chưa cho phép, chưa tập trung được, nhu cầu vận động cao.

- Ghen tị với em = cảm xúc lành mạnh, muốn được quan tâm và chú ý nhưng chưa được người lớn quan tâm đủ và đúng cách, cần nhiều thời gian để làm quen với em.

- Tranh giành đồ chơi = ý thức về sở hữu phát triển, chưa ý thức về giới hạn hành vi của bản thân, chưa có khả năng đồng cảm.

- Không dọn đồ chơi = chưa phát triển đủ nhận thức về ý thức trách nhiệm, chưa đủ khả năng tập trung (vì vậy dọn được 1, 2 món là quên mất mình đang làm gì), không có mong muốn nhà phải gọn gàng như người lớn.

- Đòi hỏi quá đáng = chưa biết giới hạn hành vi của mình ở đâu, cần người lớn nói không khi cần thiết để thiết lập ranh giới rõ ràng. 

- Chơi một thứ được 2 phút lại quay sang làm thứ khác = chưa tập trung làm một thứ được lâu do khả năng nhận thức và tập trung hạn chế, nhu cầu vận động cao. Đây là cách chơi lành mạnh của trẻ, chứ không phải là trẻ có vấn đề. 

- Nói dối = trẻ 4-5 có khả năng kiềm chế hành vi thấp, nói dối vì sợ làm mếch lòng bố mẹ, bắt đầu phân biệt đúng và sai; hành vi tương tự ở trẻ nhỏ 2-3 là do trẻ thực sự không nhớ câu trả lời, chưa phân biệt rõ những gì là tưởng tượng trong đầu trẻ và những gì thực sự xảy ra. Cha mẹ sẽ vô tình khuyến khích nói dối nếu quá nghiêm khắc với bé, dễ trừng phạt, nổi nóng.

Tất cả các biểu hiện ở trên và các biểu hiện tương tự đều là biểu hiện lành mạnh của một đứa trẻ đang phát triển tốt, đang hiểu rõ hơn về sự tự lập của bản thân, đang khám phá thế giới và các mối quan hệ để tìm ra giới hạn của bản thân và để hiểu thế giới vận hành như thế nào. 

Đứa trẻ cần cha mẹ chấp nhận nó, yêu thương nó, kiên trì ở bên cạnh nó và chỉ dẫn cho nó, dạy bằng hành động chứ không phải bằng lời nói, hiểu rõ con người nó, và hiểu đích xác tại sao nó lại đang làm điều nó đang làm, chứ không phải dùng lăng kính của người lớn để hiểu hành vi của trẻ. Khi người lớn học cách cho trẻ lựa chọn trong giới hạn an toàn, đứa trẻ sẽ học hỏi rất nhanh và không cảm thấy bị đe dọa. Người lớn mắc lỗi vì không biết thiết lập giới hạn, hoặc là thả phanh cho trẻ làm mọi thứ (rồi nổi điên khi chúng phá vỡ giới hạn – đứa trẻ bối rối, không hiểu mình đã làm gì sai), hoặc cấm tiệt tất cả mọi thứ (sẽ khiến đứa trẻ nổi điên và ngày càng thách thức cha mẹ).

Phải làm gì khi con có hành vi không vừa ý bạn ư? Hãy tự hỏi bạn xem việc đó có thực sự đáng để bạn bực bội với con hay không. Nếu không, hãy để cho con bạn tự do trong giới hạn an toàn. Hãy cho con bạn nói “không”. Hoặc hãy cho nó hai lựa chọn: “Con muốn mặc áo đỏ hay áo xanh? Con muốn ra khỏi nhà tắm bây giờ hay 5 phút nữa? Con muốn đọc cuốn này hay cuốn kia?” 

Hãy chấp nhận khi nó từ chối. Và hãy bỏ qua nếu điều đó chẳng có gì quan trọng. Ngay cả bữa ăn trẻ cũng chẳng cần phải ăn hết lượng mà bạn chuẩn bị. Nó cần được quyết định cái nó ăn và lượng nó ăn. Quan trọng hơn hết thảy là sự vui vẻ khi ăn. Cha mẹ đừng đem sự bực bội hay cuộc chiến quyền lực vào bữa ăn. Đừng bắt ép con ăn nhân danh tình yêu và lo lắng cho sức khỏe của con. Nó sẽ ốm sớm hơn vì sự căng thẳng, chứ không phải vì ăn không đủ.

Hãy giữ năng lượng của bạn cho những “cuộc chiến” thực sự khi đứa trẻ cần bạn phải ngăn hành vi của nó lại vì hành vi đó sẽ để lại hậu quả đáng tiếc hoặc vi phạm đạo đức. Ví dụ: đứa trẻ đang đánh bạn cần được bạn giữ tay nó lại, mang nó ra một chỗ khác, và giúp nó giải tỏa cảm xúc. Bạn không cần phải đem sự bực tức hay những lời mắng nhiếc để giảng giải cho đứa trẻ. Nó sẽ vẫn đánh trẻ khác sau lần đó, không phải vì nó khó bảo hay chậm hiểu, mà vì nhận thức ở tuổi đó cần rất nhiều thời gian để tiếp tục phát triển. Đến khi nhận thức đủ phát triển, đứa trẻ sẽ ngưng đánh bạn. Hãy giữ năng lượng của bạn cho những lúc thực sự cần thiết mà bạn sẽ là người toàn quyền quyết định, và đứa trẻ cần phải hiểu điều đó.

Các cha mẹ bế tắc vì một lý do rất đơn giản: họ đang tìm cách sửa các vấn đề không tồn tại. Trong khi cố gắng sửa vấn đề không tồn tại, thì họ đem theo căng thẳng, trách móc, mắng nhiếc, và thậm chí là đòn roi vào trong mối quan hệ với đứa trẻ. Lúc ấy, đứa trẻ hiểu ra là nó không được yêu thương, mà người lớn chỉ thích nó giống như những gì họ mong đợi.  Nó bắt đầu khó chịu, xa cách và chống đối. 

Có một thứ duy nhất không có khóa học nào hay một thầy nào có thể dùng để làm tiền: học cách chấp nhận và yêu thương đứa con của bạn như chính nó là. Đa số cha mẹ thường quá tự tin cho rằng cha mẹ đương nhiên là biết yêu con. Đó chỉ là ngộ nhận. (Càng ngộ nhận, càng tự tin, thì càng không chịu học, nên càng dốt.)  Đây là một quá trình học hỏi lâu dài của cha mẹ đòi hỏi cha mẹ phải vô cùng cố gắng để vượt ra ngoài lối nhận thức tập thể phổ biến cho rằng trẻ em chỉ là những cái hộp rỗng để đổ đầy kiến thức và mong muốn của người lớn vào. 

Cha mẹ phải hiểu rằng đứa con của họ đã đẹp sẵn rồi, nó chẳng có gì để sửa. Cái cần sửa chính là cha mẹ và những niềm tin của cha mẹ sau bao nhiêu năm được nuôi dạy và lớn lên trong một xã hội với những niềm tin méo mó. Cái cần học dành cho cha mẹ, chứ không phải cho đứa trẻ.

Bài học đầu tiên và bài học suốt đời cho đứa trẻ là bài học về tình yêu thương, không phải về giận dữ, không phải về bạo lực ngôn từ hay thể chất, không phải về tranh giành quyền lực hay xung đột lợi ích.

Khi bạn biết yêu thương con đích thực, bạn sẽ nhìn thấy tất cả các giải pháp cho mọi khó khăn. Mà đơn giản hơn, khi ấy bạn sẽ chẳng thấy khó khăn gì cả. Còn nếu chưa, thì bạn sẽ thấy con cái bạn có rất nhiều vấn đề. Những vấn đề đó phản ánh chính bạn, chứ không phải đứa con của bạn. Đừng chạy theo sửa triệu chứng nữa, mà hãy sửa căn bệnh.

Source : fb/Phương Đặng

17 thg 7, 2017

Ux design thực sự là gì?

Một trong những hiểu lầm lớn nhất về User Experience Design khi cho nó là những gì về tính khả dụng (Usability). Cũng dễ để biết lý do – Tính khả dụng có nghĩa là một sản phẩm “có thể sử dụng” và có ích.

Khi bạn bước vào một căn phòng bỏ trống, bạn có thể ngay lập tức tưởng tượng ra mục đích của căn phòng này. Ngó nhìn xung quanh và bạn bắt đầu có ý tưởng để biến không gian này thành nơi bạn muốn. Bạn có thể dùng nó làm phòng khách, văn phòng hay phòng ngủ. Nó dựa trên những đồ nội thất và nơi bạn đặt chúng. Một căn phòng trống là “có thể sử dụng” cho đến khi bạn bỏ đồ vô đó.

Trong lĩnh vực phần mềm, “căn phòng” mà người dùng bước vào không hề trống rỗng. Mọi sản phẩm phần mềm đều có một giao diện bên ngoài để con người tương tác. Sự tương tác trở thành một trải nghiệm họ trải qua khi họ sử dụng sản phẩm. Đó là công việc của một người thiết kế trải nghiệm để biến trải nghiệm của người dùng trở nên tuyệt hảo.

Trải nghiệm người dùng là về cảm giác (feeling)

ux-designer-01

Tự hỏi bản thân câu này – Điều gì tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời? Thực tế nó có phải là một kỷ niệm? Không hẳn, bởi vì dễ dàng để gợi lại một kỷ niệm không đẹp. Nhớ thời bùng nổ trong lĩnh vực phần mềm từ năm 1990 tới 2006? Bạn phải phải chiến đấu để làm một thứ gì đó, một sản phẩm nào đó để tồn tại. Những cảm xúc tổn thương tự hàn gắn một cách chậm chạp, vì khi sử dụng chúng, nó khơi lại sự sợ hãi kéo dài.

Trải nghiệm tốt không cần phải được khơi gợi, nhưng nó phải khiến bạn cảm thấy điều gì đó. Thực sự là nó nên khiến bạn cảm thấy như một sản phẩm giải quyết vấn đề của bạn của cách dễ dàng. Không cần chút nỗ lực.

Thiết kế không chỉ là giải quyết vấn đề, nó còn là tạo ra những hành vi cho tương lai – Dan Saffer.

Con người thường nói về những sản phẩm có khả năng “khai sáng” người dùng, nhưng thường không hiểu về ý nghĩa của nó. Không phải là về những màu sắc rạng ngời hay thiết kế tuyệt đỉnh. Một trải nghiệm thiết kế tốt thường hoàn toàn bị tách biệt khỏi việc sản phẩm nhìn ra sao. Đôi khi giao diện người dùng không còn là một giao diện người dùng, vì UX là trải nghiệm về cách hoạt động, chứ không phải nó nhìn ra sao.

Bạn có thể khai sáng ai đó bằng việc khiến sản phẩm hiệu quả tới mức họ quên mất sự có mặt của thiết kế. Khai sáng người dùng là việc khiến họ luôn ngạc nhiên với sản phẩm của bạn. Khi đó nó có nghĩa là:

UX Design là về Hành vi (Behavior)

ux-designer-b

Con người thường ở giữa một số thứ. Sống theo cách của họ, làm các dự án, tiến về những mục tiêu họ xây dựng. Người thiết kế UX phải đoán trước hành vi của người dùng khi học tương tác với một sản phẩm, và việc tương tác đó có phù hợp với mục tiêu của họ.

Nếu bạn là người dùng cuối – liệu nó có khiến bạn dừng mọi thứ bạn đang làm? Nó có cần phải vậy? Nếu cần – tương tác đó có giá trị với bạn không?

Một người thiết kế trải nghiệm phải tự hỏi những câu hỏi đó trước khi làm việc. Anh/Cô ta phải dự đoán về việc sản phẩm phù hợp với cuộc sống của bạn, điều giá trị nào được bổ xung và điều gì gây tổn hại phải bị loại trừ. Nếu Anh/Cô ta phải thấu hiểu vấn đề của bạn, ngay cả khi anh/cô ta không cảm thấy.

Sự thấu hiểu sẽ giúp bạn không những nhìn thấy những vấn đề từ góc độ người dùng, mà cả cách giải quyết. Đó là viên gạch đầu tiên để dẫn tới nơi quan trọng: Sự hiểu biết – Dan Saffer.

Điều này có nghĩa là thiết kế trải nghiệm người dùng là một quá trình liên tục, không phải là một bước ở lúc lên phác thảo. Sản phẩm sẽ đi kèm với những thay đổi – đi cùng với trải nghiệm khác. Những cập nhật nhỏ ở phần backend, và những thay đổi thiết kế UI nhỏ có thể chi phối sự ảnh hưởng của cảm giác về sản phẩm.

Thiết kế trải nghiệm là về con người

ux-designer-02

Mọi thứ bạn thấy xung quanh đều được tạo nên bởi con người, dành cho những người như bạn. Nếu nó bắt đầu từ một ý tưởng, và gắn vào những sản phẩm và dịch vụ bạn thấy và sử dụng hàng ngày. Những sản phẩm được thiết kế tốt nhất là những thứ coi bạn là một con người, chứ không phải là một người dùng máy móc.

Con người thuê những sản phẩm vì một nhiệm vụ nào đó cần hoàn thành, và công việc của người thiết kế UX là làm cầu nối giữa công nghệ và con người. Anh/cô ấy hiểu rằng công nghệ là nền tảng kỹ thuật để giải quyết vấn đề, và “người dùng” hiện hữu như là một khái niệm (concept). Một người dùng là một người với niềm tin, giấc mơ, và những nỗi đau mà họ muốn vứt bỏ. Nhà thiết kế trải nghiệm hiểu việc loại bỏ sự tồi tệ không chỉ là thứ mà con người mong muốn. Với họ – đơn giản là một nhiệm vụ mới cần được hoàn thành.

Thiết kế trải nghiệm là công việc tìm kiếm những điểm cảm xúc mà con người cần và đặt mục tiêu khi làm việc. Nếu thiếu đi sự hiểu biết, tự cho mình là công ty công nghệ tầm cỡ. Điều này khiến sản phẩm được tạo ra giống như phục vụ riêng mình. Những sản phẩm lấy đi thời gian (không ít sản phẩm như vậy) với giao diện khó khăn trong điều hướng.

Sự khác biệt giữa Ux và Ui

ux-designer-04

Sự khác biệt lớn nhất giữa Ux và Ui trước hết là mục tiêu, sau là tại sao bạn lại ở đó. Nó không hẳn loại trừ lẫn nhau, thực tế đôi khi có chồng lấn.

Công việc của Ux designer là bắt đầu với tâm lý học về người dùng. Anh/cô ấy phải nhớ về mục tiêu của sản phẩm là giải quyết vấn đề của con người – từ đó loại bỏ khó khăn trong cuộc sống của họ. Vì vậy mà Ux designer không cần phải biết code, nhưng họ cần biết lý do con người suy nghĩ, và điều gì dẫn dắt họ.

Con đường từ việc thấy vấn đề và giải quyết vấn đề là lúc giao diện người dùng bắt đầu trở nên quan trọng. Giao diện làm rõ đường lối, khiến nó dễ dàng cho người dùng đi theo. Thông thường nhiều công ty muốn designer làm cả hai việc này, vì giữa chúng có những liên kết. Khi người thiết kế phỏng vấn khách hàng về lĩnh vực nào đó, họ đưa ra phác thảo về cách khách hàng tiến hành – họ cũng đang làm UX. Làm việc với Ui là bắt đầu thời điểm xây dựng một chiến lược với những yếu tố đồ hoạ, những gì chúng ta đang gọi là wireframing.

Bạn có thể tham khảo thêm về wireframing trên Uxpin.

Bạn có thế thể hiểu những thách thức mà người thiết kế trải nghiệm đối mặt bằng việc đọc những case studies thực tế. Gabriel Tomescu (một người làm UX design tại Wave) đã viết rất cừ có tên The Anatomy of a Credit Card Form. Nó nói về việc phải trả lời các câu hỏi mà người dùng đưa ra tương tác, trước khi họ đưa ra quyết định mua. Đó là nơi Ux và Ui chồng lấn nhiều nhất – khi mà vấn đề được xác định rõ và cần giải quyết để con đường trở nên rõ ràng.

Bắt đầu học về Ux thế nào

Cách tốt nhất để học về Ux design là tạo ra một thứ của chính mình hoặc giúp ai đó hoàn thành sản phẩm của họ. Ngthề Ux hiện càng ngày càng nhiều và tăng thêm từng năm. Chưa bao giờ là quá muộn để bắt đầu học về Ux Designer ngay từ lúc này.

Nguồn : InDesign.vn
Dịch từ : thenextweb

14 thg 7, 2017

Graphics Design: con đường sự nghiệp


Bài viết gốc của Fifteen Design. Tony dịch và bổ sung một số thông tin cập nhật

Graphic Design là gì?

Graphic Design sử dụng hình ảnh và con chữ để diễn tả thông tin và ý tưởng

Thời gian làm việc?

Thông thường, 37 giờ một tuần, từ thứ hai tới thứ sáu. Khi deadline cận kề, làm thêm ngoài giờ (OT) là việc gần như bắt buộc

Tôi sẽ làm gì?

Công việc rất đa dạng. Tuy nhiên điểm chugn là ngồi lâu trước màn hình máy tính

Sản phẩm bao gồm:

  • Website, Application, Software
  • Packaging
  • Books and magazines
  • Branding
  • Advertising
  • Exhibitions and displays
  • Computer games

Kĩ năng cần thiết để trở thành Graphic Designer

  • Khả năng sáng tạo
  • Sự độc đáo
  • Sự linh hoạt
  • Sự bền bỉ
  • Sử dụng thành thạo các công cụ thiết kế như Photoshop, Illustrator, InDesign…
  • Khả năng hiểu nhu cầu khách hàng và tìm được giải pháp hợp lý
  • Kĩ năng làm việc nhóm
  • Kĩ năng sử dụng máy tính
  • Cảm nhận thẩm mỹ tốt
  • Có khả năng làm việc độc lập
  • Có khả năng làm việc nhiều dự án cùng lúc
  • Quen với việc thiết kế không được chấp nhận
  • Tự tin trình bày và giải thích ý tưởng
  • Tính chi tiết cao

Yêu cầu khi làm việc

Portfolio mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó thể hiện khả năng của bạn

Kinh nghiệm làm việc cũng là yếu tố thiết kế khi bước vào ngành vì nó cung cấp thông tin về những dự án bạn đã thực hiện xong, bên cạnh portfolio

Để nhận được sự đề bạt, bạn sẽ cần bằng cấp, chứng chỉ trong lĩnh vực thiết kế đồ họa hoặc các ngành liên quan tới nghệ thuật như Illustration, Visual Art, Photography, 3D Design, Communication Design, Film and Television. Phần lớn Graphics Designer có những chứng chỉ này để giúp cho việc thăng tiến dễ dàng hơn

Thái độ hăng hái và lạc quan cũng giúp bạn rất nhiều trong ngành này

LỘ TRÌNH SỰ NGHIỆP CỦA DESIGNER

Junior Graphic Designer

Công việc này tập trung phần lớn vào những việc vất vả mà các designer khác không muốn làm như lên layouts, vẽ logos, lặp lại quá trình vẽ logo, tinh chỉnh typefaces và màu sắc. Cũng có những giai đoạn brainstorming ý tưởng và phác thảo thiết kế. Tất cả được thực hiện dưới sự giám sát của Senior Designers. Việc này giúp bạn có cơ hội học tập và phát triển từ những người có kinh nghiệm hơn

  • Tỉ lệ hài lòng: Rất cao
  • Ưu điểm: Nói chung, môi trường làm việc tốt và cơ hội để gia tăng portfolio
  • Nhược điểm: Lương thấp và công việc không phải lúc nào cũng sáng tạo, thậm chí có chút buồn tẻ

Graphic Designer

Công việc này tập trung vào phạm vi rộng hơn, tham gia vào toàn bộ quá trình từ lên concept tới layout và artwork cuối cùng. Công việc bao gồm cả việc nói chuyện trực tiếp với khách hàng. Hàm lượng sáng tạo cao hơn Junior Designer nhưng vẫn dưới sự giám sát của Senior Designer

  • Tỉ lệ hài lòng: Cao
  • Ưu điểm: Công việc đa dạng và có tính sáng tạo cao
  • Nhược điểm: Bị căng thẳng vì client không biết tí gì về design và việc design bị từ chối

Senior graphic designer

Công việc này bao gồm một loạt các trách nhiệm phức tạp, từ gặp khách hàng tới kiểm soát toàn bộ chiến dịch quảng cáo. Công việc nói chung bao gồm mọi thứ từ lên concept và design từ đầu chí cuối. Các giám đốc (directors) sẽ theo dõi công việc của bạn. Tuy nhiên mức độ sáng tạo cao hơn hẳn và bị sẽ nắm đầu Junior và các Designers khác hoàn thiện các dự án lớn

  • Tỉ lệ hài lòng: Cao
  • Ưu điểm: Tự do sáng tạo hơn và kiểm soát toàn bộ dự án
  • Nhược điểm: Căng thẳng vì khối lượng công việc và thời gian làm việc

Studio Manager

Công việc này tương tự với Senior Graphic Designer nhưng tập trung hơn vào việc kiểm soát các công việc thiết kế khác nhau và công việc hàng ngày. Có trách nhiệm phân công công việc và có thể bao gồm tuyển dụng nhân sự, thực hiện đánh giá năng lực và điều phối nguồn lực để đảm bảo công việc của Designer có kết quả cao nhất

  • Tỉ lệ hài lòng: Rất cao
  • Ưu điểm: Vị trí chịu trách nhiệm và có khả năng phối hợp giữa các bộ phận với nhau
  • Nhược điểm: Căng thẳng vì phải quản lý nhiều thứ cùng lúc

Art Director

Đây là vị trí tranh cãi nhất trong một công ty Graphic Design. Sự tập trung chuyển dịch từ bản thân design sang vai trò marketing của Design nhưng vẫn có chỗ cho sự sáng tạo. Thường xuyên gặp gỡ khách hàng để xây dựng yêu cầu, làm việc với các Art Directors và Senior Designer để để đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng

  • Tỉ lệ hài lòng: Rất cao
  • Ưu điểm: Môi trường tốt và lương cao thể rất cao
  • Nhược điểm: Tốn nhiều thời gian và rất căng thẳng

Lộ trình thăng tiến

Bí quyết thăng tiến

Con đường để thăng tiến thành công là phát triển các mối quan hệ và sự ghi nhận trong công việc

Phát triển sự nghiệp phụ thuộc vào tần suất thay đổi công việc để gia tăng kinh nghiệm và phát triển portfolio. Bạn cần tính toán kĩ trước mỗi cơ hội thay đổi công việc

Các công ty nhỏ hiếm có lộ trình cụ thể nhưng thường có môi trường làm việc tốt hơn công ty lớnanjBanj cũng có thể cân nhắc việc làm freelance để phát triển sự nghiệp.

  • Junior Graphic Designer thường mất 2-3 năm
  • Graphic Designer từ 3-5 năm
  • Rất nhiều Designer chọn con đường Freelance trong vòng 5-10 năm kể từ khi bắt đầu sự nghiệp

ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA IN-HOUSE, AGENCY VÀ FREELANCE

In-house

Team này nằm trong một tổ chức hoặc công ty lớn ví dụ nhà xuất bản, nhà bán lẻ, trường đại học, công ty in ấn bao bì và ngân hàng. Gần đây là các công ty công nghệ cũng phát triển team design rất nhiều

  • Ưu điểm: Lương cao và dễ dàng có sự thăng tiến nội bộ
  • Nhược điểm: Nói chung là môi trường kém đa dạng và tự do sáng tạo

Agency

Team phục vụ nhiều dạng khách hàng khác nhau. Có thể chuyên sâu trong một lĩnh vực cụ thể như quảng cáo, truyền thông tập đoàn hoặc chỉ là graphic design nói chung

  • Ưu điểm: Công việc đa dạng hơn mong đợi
  • Nhược điểm: Lương thấp hơn và có ít sự thăng tiến nội bộ hơn

Freelance

Gần như tương đồng với công việc của Agency. Khác duy nhất ở điểm là bạn tự làm cho chính mình. Bạn tự phải tìm kiếm khách hàng và tự hoàn thành công việc

  • Ưu điểm: Có thể lựa chọn việc mà bạn thấy hứng thú
  • Nhược điểm: Thu nhập không ổn định. Có thể sẽ phải cân nhắc việc tìm kiếm công việc ổn định hơn

Vài lời khuyên cuối

  1. Đảm bảo CV được sắp chữ cẩn thận với layout thông thoáng, không sai chính tả và lỗi khoảng cách. Thiết kế sáng tạo có thể có ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.
  2. Phát triển Portfolio cá nhân. Thỉnh thoảng điều chỉnh có phù hợp với công ty bạn ứng tuyển.
  3. Tích lũy càng nhiều kinh nghiệm càng tốt
  4. Mở rộng mối quan hệ
  5. Học tập không ngừng! Luôn cập nhật các công cụ và xu hướng thiết kế mới
  6. Hăng hái và lạc quan
  •  
  •  

Tự học design không qua trường lớp bài bản

Bài viết gốc của Karen Cheng. Dưới đây là bản dịch tiếng Việt.

Tôi đã có được công việc designer mà không cần tới trường học thiết kế. Tôi đã “hack” việc học design của tôi trong vòng 6 tháng trong khi vẫn đang đi làm fulltime một công việc khác. Tôi không nghĩ mình đã sẵn sàng nhưng tôi bắt đầu xin việc và cuối cùng tôi được nhận vào một start up đình đám, Exec.

Phải nói rõ rằng, tôi không giỏi giang xuất chúng như những người có nền tảng 4 năm đào tạo tại ngôi trường danh tiếng như RISD. Nhưng tôi đủ sức để hoàn thành công việc của mình. Tôi là designer duy nhất ở Exec, vì thế tôi làm đủ mọi việc – visual và interaction design, in ấn, web và thiết kế app.

Có thể bạn muốn thay đổi sự nghiệp và muốn trở thành fulltime designer.
Hoặc đơn giản là bạn muốn học một số thứ cản bản cho startup của bạn hoặc các dự án phụ.

Đây là cách tôi tự học thiết kế

Bước 1: Học cách quan sát 
Lỗi lầm lớn nhất là nhảy vào học Photoshop quá nhanh. Thành thạo Photoshop không biến bạn trở thành một designer, cũng giống như việc mua cọ vẽ không biến bạn trở thành người họa sĩ. Hãy bắt đầu với những thứ nền tảng.

Trước tiên, hãy tập vẽ

  • Bạn không cần phải ngồi trong một căn phòng với vài người họa sĩ khác để cố gắng vẽ một người phụ nữ khỏa thân.
  • You không nhất thiết phải vẽ đẹp. Chỉ cần học một số thứ căn bản để bạn có thể thỏa mái phác thảo với một cây bút.
  • Bạn chỉ cần làm một việc duy nhất: mua quyển sách You Can Draw in 30 days và luyện tập nửa giờ mỗi ngày trong vòng một tháng. Tôi đã xem qua nhiều cuốn sách về vẽ và cuốn này là một trong những cuốn hay nhất.

Học một số nguyên lý đồ họa cơ bản

  • Bắt đầu với cuốn sách Picture This. Đó là một quyển truyện về cô bé quàng khăn đỏ, nhưng nó cũng dạy bạn những điều căn bản về thiết kế đồ họa luôn.
  • Học về màu sắc, typography và thiết kế sử dụng lưới. Nếu có một lớp nào đó dạy bạn những thứ cơ bản này về thiết kế đồ họa thì bạn nên tham gia ngay.
  • Đọc qua một số hướng dẫn này mỗi ngày

Học một số kiến thức cơ bản về trải nghiệm người dùng

Học cách viết

  • Một designer không tốt để lại dấu hiệu nhận biết rất rõ ràng: mockups của họ được lấp đầy bởi các dòng chữ Lorem Ipsum. Một designer tốt là một người giao tiếp giỏi. Một designer tốt tư duy xuyên suốt toàn bộ trải nghiệm và chọn từ ngữ cẩn thận. Viết cho người bình thường đọc. Đừng viết dưới dạng ngôn ngữ hàn lâm để làm ra vẻ bạn đầy tri thức.
  • Hãy đọc cuốn Made to Stick, một trong những cuốn sách ưa thích nhất của tôi. Nó sẽ dạy bạn cách nắm bắt lấy người đọc.
  • Voice and Tone là một website cực kì thú vị, có vô vàn ví dụ về cách viết hay

Bước 2: Học cách sử dụng Photoshop và Illustrator
Hooray! Lúc này bạn đã có nền móng vững chắc rồi – cả visual lẫn UX. Bạn đã sẵn sàng để học Photoshop. Thật ra thì, tôi khuyến khích bắt đầu với Illustrator trước và sau đó chuyển sang Photoshop sau. Illustrator là công cụ để designer sử dụng trong việc tạo ra logo và icon

Learn Illustrator

  • Có hàng ngàn cuốn sách, hướng dẫn trên mạng và lớp học dạy Illustrator. Chọn cách học mà bạn thấy phù hợp nhất. Đây là một số cuốn sách tôi thấy đặc biệt hữu ích để học Illustrator căn bản:
  • Adobe Illustrator Classroom in a Book – siêu nhàm chán, nhưng nếu bạn đọc được quá nửa, bạn sẽ hiểu rất rõ về Illustrator
  • Vector Basic Training – Cuốn sách này dạy bạn cách làm cho mọi thứ trong Illustrator trở nên thực thực hấp dẫn
  • Và giờ là phần vui nhất! Làm theo các hướng dẫn trên mạng và tự gây ấn tượng cho mình bởi thứ bạn có thể làm. Đây là hai hướng dẫn tôi thích nhất logo và tranh phong cảnh.

Learn Photoshop

Bước 3: Học một số kiến thức chuyên sâu
Bạn muốn thiết kế mobile app? website? Infographics? Khám phá, làm thử và chọn ra thứ bạn thấy hứng thú và muốn mình tiến bộ hơn

Học thiết kế logo

  • Học cách tạo ra một logo dùng được: Logo Design Love
  • Bạn sẽ muốn đi xa hơn là một cái logo đơn thuần. Hãy học cách tạo ra một thương hiệu thống nhất – từ website tới card visit. Xem cuốn sách này, Design Brand Identity

Học thiết kế Mobile App

  • Bắt đầu với hướng dẫn này để bắt tay thực sự làm việc thiết kế đồ họa cho mobile apps
  • Đọc qua cuốn sách ngắn nhưng vô cùng cô đọng này về thiết kế iPhone: Tapworthy. Nó sẽ dạy bạn cách tạo ra một ứng dụng không chỉ đẹp mà còn dễ dùng nữa.
  • Đặt thử app lên điện thoại của bạn. Đừng hài lòng mà bắt đầu chỉ trích nó: chỗ nào hợp lý và chỗ nào thì chưa hợp lý?

Học thiết kế Web

  • Đọc Don’t Make Me Think để học cách tạo ra một website dễ dùng và thao tác
  • Đọc The Principles of Beautiful Web Design nếu bạn muốn có một website trông đẹp đẽ.
  • Liệt kê những trang web mà bạn nghĩ chúng được thiết kế đẹp. Ghi lại những điểm chung của mấy website đó.

Giờ thì câu hỏi muôn thuở là designer có nên biết HTML/CSS không: tùy vào công việc của bạn.

Tất nhiên biết HTML/CSS thì tạo cho bạn lợi thế khi ứng tuyển. Ngay cả khi bạn không phải là người lập trình web thì nó cũng giúp bạn có được những kiến thức cơ bản để bạn biết điều gì có thể và điều gì không?

Có một số nguồn để bạn học HTML và CSS:

  • Miễn phí thì tôi thích Web Design Tuts nhất
  • Trả phí thì là Treehouse ($25/tháng – cũng không quá nhiều phải không). Nếu bạn chưa biết gì và muốn được sự chỉ dẫn tận tình, hãy sử dụng Treehouse tutorials.

Bước 4: Xây portfolio
Bạn không cần tới một trường học design hoành tráng để có thể trở thành designer. Nhưng bạn cần phải có một portfolio chất lượng.

Làm thế nào để xây dựng portfolio nếu bạn chưa có gì trong tay? Có một tin tốt là bạn không nhất thiết phải làm việc trong dự án thật với khách hàng thật mới xây được portfolio. Tự tạo ra các dự án phụ để làm. Đây là một số ý tưởng:

  • Thiết kế một ý tưởng vui nhộn cho T-shirts
  • Tìm một trang websites thiết “nghèo nàn” và thiết kế lại
  • Có một ý tưởng về iPhone app? Phác thảo ra
  • Tham gia một team ở Startup Weekend và trở thành designer cho dự án cuối tuần
  • Vào các cuộc thi trên 99 designs để thực hành design dựa trên một yêu cầu có sẵn.
  • Thực hiện các bài tập thiết kế trong cuốn sách Creative Workshop
  • Tìm một tổ chức phi lợi nhuận và đề nghị thiết kế miễn phí cho họ

Vượt qua cám dỗ đưa hết tất cả mọi thứ bạn làm lên portfolio. Chỗ đó chỉ nên dành cho những thiết kế tốt nhất

Ăn trộm, ăn trộm, ăn trộm từ đầu. Đừng quá lo lắng về tính nguyên bản. Đó là điều tiếp theo bạn nghĩ đến, một khi bạn đã thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình. Khi bạn học một nhạc cụ, bạn sẽ học chơi những bản nhạc của người khác trước khi soạn ra bản nhạc của chính mình. Design cũng như vậy. Steal like and artist

Lên Dribbble để tìm kiếm cảm hứng từ những designer giỏi nhất. Xem pttrns cho cảm hứng iOS và patterntap cho cảm hứng website

Bước 5: Kiếm việc design
Khi tôi bắt đầu học thiết kế, tôi đi tới một hội chợ việc làm cho designers. Tôi bước vào căn phòng toàn designers nhiều kinh nghiệm hơn tôi rất nhiều – 5, 10, 15 năm kinh nghiệm. Tất cả họ đang tìm việc. Đầy dọa dẫm. Rồi tôi tự học thiết kế và biết mình đang cạnh tranh với những designer có kinh nghiệm.

Và 6 tháng sau, tôi đã có một công việc thiết kế. Có một điểm khác biệt quan trọng giữa tôi và nhiều designers khác, thứ mà tạo cho tôi một lợi thế: tôi biết cách làm việc với lập trình viên.

Lý do lớn nhất để nâng cao khả năng được nhận của bạn là bạn có thể làm việc với lập trình viên. Học một chút về thiết kế tương tác. Học cơ bản về HTML và CSS. Designer trong lĩnh vực công nghệ (thiết kế tương tác, thiết kế web, thiết kế app) cực kì khan hiếm và được đãi ngộ cao. Có rất nhiều việc ở đó.

Nếu bạn không có bất cứ kinh nghiệm làm việc nào với lập trình viên, hãy học đi. Tới Startup Weekend, tham gia Hackathons hoặc là tìm một lập trình viên để cộng tác chung thực hiện một dự án.

Lập một trang web cá nhân và đặt portfolio của bạn làm trọng tâm

Tích cực ra ngoài và chủ động làm may mắn mỉm cười với mình – nói với mọi người rằng bạn đang tìm công việc thiết kế. Bạn sẽ không bao giờ biết được những lời này sẽ tới được tai ai.

Nghiên cứu các công ty và agency mà bạn quan tâm. Tìm các mối quan hệ với người làm việc ở đó thông qua các kết nối trung gian để nhờ họ giới thiệu. Cách tốt nhất để có một công việc là thông qua các mối quan hệ. Nếu bạn không có quan hệ, cũng có nhiều cách khác để bạn tự tạo lợi thế cho mình.

Khi bạn đã có được công việc, hãy tiếp tục học
Tôi đã ở Exec được một năm và cũng đã học được vô số thứ từ công việc. Tôi tìm kiếm các designers tài năng hơn mình và học hỏi từ họ. Tôi kiếm các lớp học design (online có thể là Skillshare, General Assembly, Treehouse, Tutsplus). Tôi làm các dự án phụ. Tôi quan tâm tới khu vực sách thiết kế ở các hiệu sách.

Và còn nhiều thứ nữa để học và cải thiện.
Giữ có kĩ năng sắc bén và luôn luôn không ngừng học tập.