Trang

27 thg 7, 2011

Facebook không làm Email



Hình trên là chiếc vé mời của Facebook úp mở về dịch vụ tin nhắn mới của mình. Trước hôm nay, rất nhiều người đã dự đoán rằng Facbook sẽ ra mắt một dịch vụ email để cạnh tranh trực tiếp với Gmail. Nhưng thực tế, sau khi xem kỹ những gì mà Facebook công bố, rõ ràng chiến lược của họ lớn hơn thế rất nhiều.

Họ không ra mắt một dịch vụ email với đuôi @facebook.com (tuy rằng họ có nói về việc có một địa chỉ email dạng abc@facebook.com), Facebook muốn hơn thế rất nhiều. Họ muốn đưa một cách giao tiếp mới, muốn thâu tóm tất cả các hình thức liên lạc hiện tại vô một nơi. Có lẽ vì là một cách tiếp cận mới nên vẫn còn nhiều người nghĩ đây là một bản nâng cấp nào đó của email, ví dụ đã có một số thành viên trên một diễn đàn khi đọc bài giới thiệu về dịch vụ này đã phản hồi như sau:

A: khác gì Twitter đâu nhỉ.
B: hiện tại FB có chức năng nhắn tin rồi mà, nhắn tin không rườm rà là thế nào nhỉ, chat trực tiếp à?
C: vẫn chưa hiểu về cái này lắm, mail thì vẫn là mail còn nói chuyện như chat thì h khá nhiều roài
D: Thấy điều này giống ở cái tin nhắn khi đang dùng Nokia chuyển qua Blackberry.

Vậy tại sao tôi cho rằng đây sẽ là một mô hình cách mạng?

decor

* Có một số từ trong bài tôi sẽ viết bằng tiếng Anh, ví dụ: text (sát nghĩa nhất là “văn bản”, tuy nhiên để vậy thì lại không phản ánh đúng, để là “ký tự” thì cũng không hẳn), voice (nếu để là “thoại” thì cũng không chính xác). Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng hạn chế dùng tiếng Anh tối đa.

Những hình thức giao tiếp

Trước tiên thử liệt kê những hình thức liên lạc nào chúng ta đang dùng dựa trên text (ở đây tôi chưa nói đến giọng nói – tuy rằng tầm nhìn của Facebook bao gồm luôn cả voice): SMS, e-mail, tin nhắn qua Facebook, Chat, DM [1] của Twitter, thư viết tay (mặc dù hiện nay rất hiếm trường hợp còn dùng thư viết tay), Fax…

Như chúng ta thấy, e-mail chỉ là một phần trong các kênh liên lạc này. Và thực sự với tôi e-mail có một số phiền phức: tôi luôn phải nhớ địa chỉ người nhận (To), địa chỉ người nhận kèm (CC, BCC), cách viết quá trang trọng đôi khi không cần thiết, và một vấn đề muôn thuở: spam.

Gmail đã làm rất tốt việc cải tiến mô hình này, với cách xử lý danh bạ (contact list) thông minh hơn, bộ lọc spam mạnh hơn, tính năng điền tự động (auto complete) cho trường To, CC, BCC thông minh hơn. Tất cả những cải tiến của Gmail giúp cho việc xử lý email được nhanh hơn, nhưng nó chỉ rút ngắn thời gian một cách tối đa, còn thì chúng ta vẫn phải làm những công việc đó. Và có một việc Gmail không thể can thiệp được, đó là cách viết của email luôn quá cầu kỳ. Ví dụ mỗi ngày tôi rất nhiều lần phải viết những email kiểu như thế này:

“Hi Alex,

I compleltely agree with your suggestion.

Best regards,
Hieu.”

Lúc nào cũng phải có mở bài, thân bài, kết luận bằng một câu best regards, cheers, trân trọng, kính chào, thân chào… Tất nhiên là không ai ép chúng ta phải viết như thế, nhưng bản thân cách giao tiếp của email vô hình chung khiến chúng ta phải như vậy. Chúng ta thấy rõ ràng khi chat không ai nói kiểu “Chào – Nội dung – Trân trọng” như vậy.

Và giải pháp mà Facebook đưa ra có vẻ như giải quyết được những yếu điểm của email. Hơn thế nữa nó gom lại được hầu hết những kênh liên lạc “bằng text” mà chúng ta đang có. Ví dụ bằng trường hợp của tôi (đã rất lâu tôi không còn dùng hình thức thư viết tay, do đó trong danh sách của tôi không có thư viết tay – Fax tôi cũng rất hiếm khi còn dùng mà đa số là dùng email và gửi kèm attachment). Vậy gom lại những công cụ chính mà tôi dùng hàng ngày là theo thứ tự cao đến thấp là:

  1. Email
  2. Chat
  3. SMS
  4. Tin nhắn qua Facebook
  5. DM qua Twitter

Hiện tại bốn thứ này đang đứng riêng lẻ, giả sử một lúc nào đó cần tìm một email, tôi sẽ mở Outlook hoặc Gmail lên để tìm kiếm. Muốn tìm một tin nhắn nào đó tôi mở điện thoại lên, vô SMS để tìm, cần tìm lại một thông điệp chat nào đó, tôi mở Message Archive của Yahoo Messenger ra để tìm… Mọi thứ đều riêng lẻ.

Và với giải pháp mới của mình, có vẻ như Facebook đang muốn kết hợp tất cả những cách thức liên lạc này lại với nhau và sắp xếp nó theo những dạng mà người dùng muốn. Ít nhất hiện tại với những gì Facebook trình bày, tôi thấy có hai dạng: theo chủ đề và theo đối tượng.

Theo đối tượng: Ví dụ tôi có người bạn tên A, thì tất cả những gì tôi giao tiếp với người này đều sẽ hiển thị theo thứ tự từ mới tới cũ. Và theo tầm cỡ của Facebook, có lẽ như Facebook sẽ lưu trữ tất cả những gì tôi đã liên lạc với bạn A này từ lúc 2 người biết nhau cho đến lúc chết. Tôi gửi 1 email tới A –> sẽ vô chuỗi thông điệp này, A trả lời lại tôi bằng SMS –> tiếp tục vô chuỗi thông điệp này, tôi và A hẹn nhau để chat –> chuỗi thông điệp lại tiếp tục. Nghĩa là tất cả những phương tiện giao tiếp từ nay sẽ tập trung về một mối, đó là Facebook.

Theo chủ đề: Tôi và A có thể tạo một chủ đề, ví dụ: Đi chơi cuối tuần! Và chúng tôi muốn mời C, D, E cùng tham gia. Đơn giản tôi chỉ cần mời 3 người này vào một chủ đề. Chủ đề này sẽ có 5 người chúng tôi thảo luận qua lại. Tuy nhiên những thảo luận riêng của tôi và A vẫn nằm trong chuỗi thảo luận riêng của tôi và A. Và có thể đến một lúc nào đó D không muốn thao gia tiếp chuyến đi, chúng tôi chỉ đơn giản bỏ D ra khỏi chủ đề và tiếp tục thảo luận. D sẽ không nhận được thông điệp nữa. Và một lần nữa, tất cả những thông điệp này đều có thể nhận được từ nhiều nguồn khác nhau như đã ví dụ bên trên.

Với cách sắp xếp như thế này, Facebook đã đưa hình thức giao tiếp trở về với đúng bản chất của nó: giao tiếp. Chúng ta không cần phải “Chào – Nội dung – Trân trọng” nữa. Tất cả sẽ được hiển thị dưới dạng những cuộc hội thoại.

Và vì lý do email chỉ là một phần của cả mạng lưới này, nên Facebook vẫn cho người dùng sở hữu một địa chỉ email @facebook.com, tuy nhiên như chúng ta đã thấy, Facebook không tập trung nói quá nhiều về vấn đề này. Facebook không muốn người dùng lầm tưởng đây lại là một dịch vụ email mới.

Liệu hình thức này có giết chết email truyền thống?

Tôi cho là không, hoặc ít nhất là chưa ở thời điểm hiện tại (và có thể trong một thời gian dài sắp tới). Vì những hình thức giao tiếp cần sự trang trọng (formal) như giao tiếp trong công việc, thì trước mắt email vẫn phù hợp hơn. Đó là chưa kể những vấn đề khác như: nhận dạng thương hiệu, chính sách bảo mật, quyền riêng tư…

Tuy nhiên chúng ta có thể hình dung về một tương lai khi mà Facebook Group chẳng hạn – sẽ phát triển mạnh thành một dạng “Custom Organization”, khi đó những doanh nghiệp có thể an tâm chuyển hệ thống liên lạc của mình lên Facebook thì có thể lúc đó sẽ là hồi chuông báo tử cho email. Hãy tưởng tượng đến một ngày mà mỗi công ty sẽ có một không gian riêng trên Facebook. Khi đi giao dịch với khách hàng, đối tác thay vì trao cho nhau địa chỉ email, chúng ta sẽ gửi một dạng định danh nào đó (vì hãy tưởng tượng lúc đó tất cả mỗi người đều có một account Facebook). Và khách hàng liên lạc với chúng ta qua định danh đó.

Ngày đó có lẽ sẽ còn xa, tuy nhiên tôi tin kịch bản đó hoàn toàn có thể xảy ra. Dẫu sao trước mắt thì email vẫn còn chỗ đứng.

Bài học rút ra

Tôi rút ra cho mình một bài học về cách tư duy. Nếu đa số mọi người bình thường cố tạo ra những gì tốt hơn dựa trên cái đang có sẵn – Google chắc chắn không phải là người bình thường, nhưng Gmail cũng chỉ cải tiến dựa trên mô hình có sẵn. Yahoo, Hotmail… khi bị mất thị phần, cũng chỉ loay hoay cái tiến dựa trên mô hình email có sẵn.

Facebook , họ có một thế mạnh mà tất cả những dịch vụ khác không có được – đó là cộng đồng. Cách tư duy của họ, thay vì đi theo lối mòn là làm một dịch vụ email cho cộng đồng, họ đã đặt ra cách tiếp cận đưa tất cả lùi căn nguyên gốc rễ của vấn đề: đó là những hình thức giao tiếp trong một cộng đồng. Và từ đó, nhờ vào thế mạnh mà họ đang sở hữu, Facebook đã đưa ra mô hình này, mô hình mà tôi cho sẽ là cuộc cách mạng trong cách mà chúng ta giao tiếp với nhau.

Cá nhân tôi tin rằng những hình thức trước đây đang bị đe dọa. Tôi sẽ không dùng email khi cần liên lạc với bạn bè nữa, thay vì vậy tôi có thể gửi tin qua trang web của Facebook, hoặc qua trình duyệt điện thoại. Tôi sẽ không dùng SMS nữa, thay vào đó tôi mở ứng dụng Facebook trên điện thoại và gửi tin nhắn và tôi cũng nhận tin trả lời theo chiều ngược lại qua điện thoại, tôi có thể gửi hình, gửi tập tin đính kèm… Tất cả những gì tôi cần là 1 kết nối 3G và một thiết bị có Facebook – điều mà hầu hết smartphone hiện nay đều đã đáp ứng được.

Tất nhiên Facebook vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, tuy nhiên tôi tin họ đã xác định được một chiến lược đúng. Và tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một chiến lược đúng.




source : apo's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét