Trang

22 thg 1, 2013

"Design Thinking" - Tư duy giải quyết vấn đề lấy con người làm trung tâm


Design Thinking là gì, và nó có ích lợi như thế nào đối với các startup tại Việt Nam?
Trước khi bàn đến “Design Thinking”, phải hiểu đúng Design là gì. Design được dịch ra tiếng Việt là “Thiết kế”. Bản thân từ này có nội hàm khá rộng nhưng khi được chuyển ngữ và ứng dụng trong hoàn cảnh Việt Nam đã được đơn giản hóa đi nhiều. Một cách tổng quát, “Thiết kế” nên được hiểu là quá trình đưa ý tưởng vào hiện thực. Hiện thực hóa ý tưởng về một ngôi nhà là một bản vẽ kiến trúc, phối cảnh, hiện thực hóa ý tưởng về thông điệp là một bản in poster, một chiếc banner quảng cáo, hiện thực hóa ý tưởng về một trang web là giao diện,... Tất cả những thành phẩm tạo ra là kết quả của quá trình người làm thiết kế biến những thứ trừu tượng thành một thứ rõ ràng hơn, có thể sử dụng được.
Vậy Design Thinking là gì? Theo Tim Brown - CEO của IDEO, người khởi xướng ra thuật ngữ Design Thinking - thì Design Thinking là một phương thức sử dụng sự nhạy cảm và cách tư duy thiết kế trong giải quyết các vấn đề có ý nghĩa với con người. Tổng quát lại, Design Thinking có thể coi là một hệ thống các tư tưởng kết hợp tư duy sáng tạo và phân tích trong việc giải quyết một vấn đề cụ thể nào đó. Điểm đáng chú ý ở đây là Design Thinking có 2 phần rõ rệt: Sáng tạo và Phân tích. 2 thành phần này cho phép các thông tin và ý tưởng đến từ 2 chiều, cả những dữ liệu, kinh nghiệm trong quá khứ, lẫn những thứ chưa xảy ra đòi hỏi sự tưởng tượng.
Để rõ ràng hơn, xin lấy một ví dụ điển hình về “Design Thinker”, đó là nhà bác học Thomas Edison. Ai cũng biết ông là người đã tạo ra chiếc bóng đèn điện nhưng ít người biết chính ông cũng là người đã phát triển hệ thống mạng lưới phát điện cũng như truyền tải điện. Rõ ràng không có hai thứ đó thì chiếc bóng đèn sẽ trở thành vô dụng. Thiên tài của Edison nằm ở chỗ ông có khả năng hình dung rõ ràng người dùng muốn gì, cần gì và sẽ sử dụng những phát minh của ông như thế nào (Nghe có vẻ giống Steve Jobs đúng không). Vì vậy ông xây dựng mọi thứ xoay quanh những nhu cầu đó, giải quyết cụ thể vấn đề người dùng đang mắc phải bằng cả một hệ thống chứ không phải chỉ là những phát minh đơn lẻ, rời rạc, chắp vá.
Cách tiếp cận của Edison chính là một ví dụ điển hình của cái mà chúng ta ngày nay gọi là “Design Thinking”. Nếu coi Design Thinking là một phương pháp thì phương pháp này đề cao sự đổi mới, thiết kế ra những sản phẩm lấy con người làm trung tâm. Tim Brown cho rằng:
Sáng tạo cần được thúc đẩy bằng sự thấu hiểu, trực quan những gì mọi người muốn và cần trong cuộc sống, những gì mọi người thích và không thích về cách những sản phẩm cụ thể được làm ra, đóng gói, tiếp thị, bán hàng hay hỗ trợ.
Bên cạnh những phát minh, điều vĩ đại nhất Edison đã làm đó là đã gây dựng thành công mô hình phòng thí nghiệm R&D hiện đại đề cao phương pháp thực nghiệm. Edison không phải là một nhà khoa học chuyên ngành hẹp nhưng là một người có kiến thức rộng lớn với độ nhậy cảm về kinh doanh đáng kinh ngạc. Phòng thì nghiệm của ông ở Menlo Park, New Jersey chưa đầy rẫy những người tiên phong, dám thử nghiệm không nề hà gì cả. Trong thực tế, chính ông đã phá vỡ khuôn mẫu của các nhà phát minh thiên tài đơn độc bằng cách tạo ra một cách tiếp cận sự đổi mới dựa theo nhóm cộng sự. Các cuốn sách hay bài báo viết về Edison thường hay trích dẫn lời của ông “Thiên tài chỉ có 1% là cảm hứng còn 99% là mồ hôi.”. Thật ra  đây chính là câu nói thể hiện tư tưởng nghiên cứu phát triển sản phẩm của ông và cũng phản ánh tính thực tế, thử sai của Design Thinking.
Vậy nhìn vào những con người như Thomas Edison, Steve Jobs, một Design Thinker sẽ có những cá tính như thế nào? Theo Tim Brown, không cần phải là những người học chuyên ngành về thiết kế mới có tư duy kiểu Design. Sự phát triển đúng đắn kết hợp với trải nghiệm hợp lý có thể khai mở kiểu tư duy này. Sau đây là 5 cá tính theo Tim là đặc trưng nhất:
  • Sự đồng cảm: Nghe có vẻ lạ lẫm phải không? Đơn giản là các Design Thinker có thể nhìn thế giới bằng nhiều góc nhìn khác nhau. Họ có thể nhìn dưới quan điểm người dùng, nhà phát triển, nhà cung cấp, nhân viên bán hàng,... kể cả ở dạng hiện có lẫn tiềm năng. Bằng việc đặt con người ở vị trí cao nhất, Design Thinker có thể mường tượng ra các giải pháp hấp dẫn, phù hợp với các nhu cầu đặc thù nhất. Họ có thể quan sát cả thế giới trong phút chốc, chú ý đến những chi tiết mà nhiều người không để ý, sử dụng chúng để thúc đẩy sự đổi mới.
  • Tư duy tích hợp: Như đã nói, Design Thinking không phải chỉ dựa vào quá trình suy luận thông thường dựa trên lịch sử kinh nghiệm cũng như dữ liệu (thường là chỉ mang đến các lựa chọn giới hạn). Design Thinker còn tưởng tượng và tìm cách đưa vào các khả năng tiềm ẩn khi đối diện với các vấn đề, thậm chí đưa ra những giải pháp kỳ quái để cải tiến những thứ sẵn có.
  • Lạc quan: Chính vì quá trình suy nghĩ theo kiểu “Design” này không chừa ra bất kỳ khả năng nào, và trí tưởng tượng con người thì là vô hạn, nên dù là vấn đề khó đến đâu, họ luôn nghĩ có giải pháp tốt hơn.
  • Chủ nghĩa thực nghiệm: Các sáng tạo đột phá không nhiều khi đến từ những sửa đổi nhỏ theo hướng có sẵn. Design Thinker đặt ra các câu hỏi và tìm cách khai phá đến tận cùng ngõ ngách theo tất cả các hướng có thể. Phương pháp này đòi hỏi không cách nào khác đó là phải thử, đôi khi là thử theo những hướng hoàn toàn ngược lại và không liên quan gì với hiện tại.
  • Sự cộng tác: Các sản phẩm và dịch vụ càng ngày càng phức tạp, dù là thiên tài thì cũng khó có thể tự một mình làm mọi thứ được. Design Thinker hiểu rằng mỗi người đều có những góc nhìn khác nhau, trải nghiệm khác nhau, và sự kết hợp đó sẽ mang lại các giải pháp không ngờ đến, vượt ngoài tầm nhìn của một cá nhân đơn lẻ.
Vậy đối với Startup, ứng dụng Design Thinking như thế nào? Thực tế thì Design Thinking từ khi được khởi xướng và nổi lên, hay được mang vào ứng dụng ở các công ty lớn, như là một phần của quá trình đổi mới cũng như sáng tạo. Tuy nhiên ở bài viết này, Pandora.vn muốn đặt trong ngữ cảnh của các công ty quy mô nhỏ và startup. Có 2 điểm, Pandora.vn muốn nhắc lại cho rõ ràng:
  1. Design Thinking gồm 2 phần: phân tích và sáng tạo. Vì vậy cách tư duy khá cân bằng, nhìn vào kinh nghiệm, dữ liệu để làm căn cứ nhưng cũng để ngỏ tất cả các phương án sáng tạo. Lý luận đơn thuần không có nhiều chỗ cho tưởng tượng, và tưởng tượng bay bổng cũng không có đất cho số liệu thực tế. Vì vậy hãy cân bằng cả 2.
  2. Design Thinking lấy con người làm trung tâm. Điều đó có nghĩa là cách tiếp cận không phải kiểu, bây giờ chúng ta có công nghệ này, làm gì với nó bây giờ? Hay như, công ty X đang làm trò Y có vẻ hay hay, chúng ta làm trò Y được không nhỉ? Hoàn toàn không phải như vậy. Design Thinking lấy con người làm đối tượng chính để từ đó đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề cụ thể nào đó.
Về lý thuyết thì quy trình của Design Thinking gồm các bước sau (có nhiều cách gọi tên các bước):
Nhưng thực tế, sự quay vòng còn có thể nhanh hơn nữa, ngay bước sau có thể cần phải quay lại bước trước để điều chỉnh.
Hãy thử điểm qua các bước xem trong quá trình phát triển sản phẩm, các startup có thể làm gì. 
  • Understand: Đây đơn giản là quá trình thu thập thông tin để có được những thông tin cơ bản về vấn đề startup muốn giải quyết. Google, hỏi trực tiếp, phỏng vấn,... là những cách phổ biến. Các bạn làm startup sẽ nhận ra mình mong muốn thấu hiểu người dùng, thấu hiểu sự việc đến mức nào khi cứ hỏi đi hỏi lại những người xung quanh về vấn đề nào đó, đến khi họ phát cáu thì thôi. Nhưng cuối cùng của bước này là gì? Thật ra bạn chẳng nhận được câu trả lời nào cả, mà chỉ dấy lên hàng trăm câu hỏi khác mà Google cũng như những người xung quanh không trả lời được. Đó là lúc bạn sang bước 2.
  • Observe: Quan sát. Đây chính là lúc cá tính “đồng cảm” phát huy. Bạn cần hiểu đối tượng còn hơn chính đối tượng. Lúc này tất cả các câu hỏi cái gì, hay làm thế nào ở bước 1 đều vô dụng. Câu hỏi đúng ở bước này là Tại sao? Tất nhiên câu hỏi Tại sao luôn là câu hỏi khó và bạn cũng sẽ nhận câu trả lời là một mớ bòng bong. Tài năng là ở chỗ làm sao trong mớ bòng bong đó, bạn có thể nhìn ra được nguyên nhân sâu xa ẩn chưa đằng sau của vấn đề là gì. 
  • Synthesize: Đơn giản là sau khi có đủ thông tin, có đủ sự quan sát, bạn rút ra một số kết luận, vừa đủ để bạn có thể hình dung sơ bộ giải pháp của bạn là gì. Các kết luận rất chung chung, chỉ dựa trên 3 yếu tố: người dùng + nhu cầu + nguyên nhân sâu xa, bản chất. Không phải lý luận gì vĩ đại, cao siêu, thường những thứ kết luận ở bước này hết sức giản dị.
  • Ideate: Khi đã có những kết luận dựa trên quá trình tìm hiểu và quan sát vốn dựa vào phân tích, thì đây là lúc đòi hỏi sự sáng tạo. Với kết luận như vậy, bạn có thể nghĩ ra những ý tưởng nào? Không cần mất quá nhiều thời gian lý luận, đơn giản là vạch ra tất cả những idea có thể nhằm giải quyết kết luận bạn đưa ra ở bước trước. Cả team ngồi với nhau, brainstorming, đưa ra các phương án,...
  • Prototype: Chọn lấy một ý tưởng, một phương án khả thi nhất ở bước trước và làm thử. Đây là cách thực nghiệm để biến ý tưởng thành hiện thực. Bạn đừng nghĩ đây là sản phẩm cuối cùng của bạn, mà nó chỉ là một cách để kiểm tra lại ý tưởng mà thôi. Vì vậy, hãy làm thật tập trung và thật nhanh, đừng lan man. Người dùng khi nhìn vào bản prototype họ sẽ nghĩ đến tiềm năng nhiều hơn, còn nếu bạn đưa ra một sản phẩm hoa mỹ, trau chuốt, người dùng sẽ chỉ chăm chăm tìm cách bắt lỗi. Đây cũng chính là lúc bạn thu thập các phản hồi, đo đạc các số liệu,... cho bước tiếp theo.
  • Iterate: Lấy những thông tin thu được từ bản prototype, quay lại các ý tưởng đã đề ra, quay lại các giả thuyết và kết luận, thậm chí quay lại từ gốc của vấn đề để xem lại toàn bộ quá trình tư duy có gì không ổn, cái gì đã giải quyết được cái gì chưa,... Từ đây bạn có thể rút ra nhiều bài học. Đôi khi vấn đề không phải là ở giải pháp, mà lại ở ngay bản thân cách nhìn nhận vấn đề.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét